Tọa đàm do ngành Quản trị du lịch và khách sạn thuộc Khoa Kinh doanh và quản trị Đại học RMIT tổ chức đã thu hút các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và khách sạn, hàng không, điều hành tour, bán lẻ và bất động sản hàng đầu trong nước và quốc tế tham dự.
Các chuyên gia tham gia Tọa đàm về ngành du lịch do RMIT tổ chức đều nhận định: năm 2021 ngành du lịch Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng để phát triển |
Với việc kiểm soát thành công đại dịch cũng như những thành công của ngành du lịch trong năm 2019 như đóng góp 9,2% vào GDP của cả nước, 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 85 triệu lượt khách du lịch nội địa và thu về hơn 32,8 tỷ USD, các chuyên gia đã dự đoán một triển vọng tích cực cho du lịch Việt Nam trong năm 2021.
Theo các chuyên gia, các cơ hội sắp đến bao gồm việc đầu tư vào du lịch nội địa, các sản phẩm du lịch mới, nguồn nhân lực chất lượng cao, số hóa ngành du lịch và cơ sở hạ tầng để giúp Việt Nam tỏa sáng trong nước và trường quốc tế.
Tiến sĩ Nuno Ribeiro - Giảng viên cao cấp - Trưởng Nhóm nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT - nhận định, Việt Nam sẽ trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu, không chỉ ở Đông Nam Á mà còn trên thế giới. “Chúng ta đã nhìn thấy những dấu hiệu tích cực từ thị trường du lịch nội địa rất sôi động, cũng như những sáng kiến của Chính phủ đã cực kỳ thành công trong việc tạo ra nhiều nhu cầu hơn cho du lịch nội địa trong khi vẫn duy trì các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về sức khỏe và an toàn”, tiến sĩ Nuno Ribeiro phát biểu.
Ông Lê Trương Hiền Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch TP. Hồ Chí Minh - cho biết, thúc đẩy du lịch nội địa và xây dựng du lịch thông minh ở Việt Nam là những mục tiêu chính trong năm 2021. Theo ông Hòa, một trong những trọng tâm chính của ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh trong năm 2021 là triển khai các chương trình liên kết với các tỉnh thành, các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam cũng như các ngành du lịch để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới nhằm thúc đẩy du lịch trong nước phục hồi và phát triển.
Ông Hòa nhận định, năm 2021 cũng là thời điểm thuận lợi để TP. Hồ Chí Minh triển khai du lịch thông minh. Cơ sở dữ liệu du lịch là nền tảng quan trọng để đảm bảo các đề án du lịch thông minh thành công bên cạnh sự tham gia của nhiều ban ngành và lĩnh vực trong việc chuẩn hóa hệ thống thu thập dữ liệu đồng thời số hóa các dịch vụ du lịch.
Bà Trần Thị Thùy Trang - Phó Giám đốc Khối Thị trường nước ngoài Công ty Vietravel - cho rằng, để ngành du lịch phục hồi nhanh và từng bước ổn định, Việt Nam nên quảng bá đất nước như một điểm đến an toàn và hấp dẫn trên thế giới. “Không chỉ ngành du lịch, khách sạn mà Chính phủ cũng cần quảng bá hình ảnh du lịch Việt như một điểm đến an toàn để có thể tăng lượng khách quốc tế khi biên giới Việt Nam mở cửa trở lại và hoạt động lại bình thường”, bà Trang đề xuất.
Để ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vữn, ông Craig Douglas - Giám đốc Điều hành The Grand Hồ Tràm - nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sau đại dịch là điều quan trọng. Ông Douglas nói rằng, với một số dự án vẫn đang được triển khai trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực khác trong nước cũng như việc các cơ sở sản xuất quốc tế chuyển đến Việt Nam, nhu cầu nhân lực sẽ là một thách thức lớn và sẽ củng cố nhận định nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất.
Nhà thờ Đá thành phố biển Nha Trang, một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước |
Năm 2020 kết thúc, ngành du lịch của thế giới và Việt Nam chịu tổn thất nặng nề bởi dịch Covid-19. Theo báo cáo của UNWTO, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu trong năm 2020 sụt giảm 1,1 tỷ lượt, tổng thu của ngành du lịch toàn cầu thiệt hại 1,1 nghìn tỷ USD.
Riêng Việt Nam, Tổng cục Du lịch thống kê, năm 2020 do đại dịch Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312.000 tỷ đồng, giảm 58,7%, mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Không chỉ giảm doanh thu, đã có 40 - 60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động, nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa, có thời điểm công suất sử dụng phòng chỉ đạt từ 10 -15%.
Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, nhờ việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 từ quyết tâm thực hiện mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế” của Chính phủ, Theo đó, các chương trình kích cầu du lịch nội địa được triển khai nhanh chóng như chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” với chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2.… đã thúc đẩy nhiều hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng ở nhiều địa phương từng bước hồi sinh trong thời gian gần đây.