Nguồn cung hạn chế
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường văn phòng cho thuê tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đều có triển vọng giá thuê khả quan. Mặc dù có nhiều nguồn cung mới trong năm 2019, nhưng tỷ lệ văn phòng trống tại cả hai thành phố (TP) duy trì dưới 10% tại thời điểm cuối năm.
Thị trường văn phòng tại Việt Nam là thị trường thuộc về chủ nhà, chủ đầu tư, trong đó TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là đại diện điển hình với thị trường văn phòng năng động nhất. Hai TP này nhu cầu cao và diện tích trống hạn chế là động lực giúp chủ nhà, chủ đầu tư tăng giá thuê liên tục trong những năm qua.
Thị trường cho thuê văn phòng được kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch Covid-19 |
Savills Việt Nam đánh giá, thị trường văn phòng tại Việt Nam có nguồn cung nhỏ nhất so với khu vực ASEAN. Tính riêng nguồn cung văn phòng hạng A đến tháng 6/2020, tổng nguồn cung cả TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội chỉ hơn 730.000m2, chỉ bằng 23% nguồn cung tại Singapore và 19% của Kuala Lumpur (Malaysia). Vì vậy, nguồn cung này vẫn rất khan hiếm ở cả TP. Hồ Chí Minh và cả ở thủ đô Hà Nội.
Ghi nhận thực tế cho thấy, tác động của dịch bệnh đến thị trường văn phòng không lớn, giá thuê văn phòng có giảm nhẹ. Thị trường bắt đầu chứng kiến việc các chủ nhà, chủ đầu tư đã đưa ra các ưu đãi ngắn hạn cho khách thuê như giảm 10 - 20% tiền thuê trong một quý nhất định, hay gia tăng thời hạn miễn phí phí dịch vụ.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong quý 2/2020, thị trường văn phòng cho thuê tại TP. Hồ Chí Minh bắt đầu chứng kiến sự chuyển dịch của khách thuê, nhằm giảm chi phí thuê như cắt giảm diện tích và chuyển đến các tòa nhà có giá thuê thấp hơn. Lượng diện tích cho thuê thêm trong quý 2/2020 của cả 2 thành phố đều ghi nhận con số âm. Các chủ đầu tư đã linh hoạt hơn trong áp dụng nhiều điều khoản ưu đãi để hỗ trợ khách thuê và duy trì tình hình hoạt động.
Từ cuối tháng 7/2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, thị trường văn phòng tiếp tục đối mặt với thách thức khi nhu cầu giảm do khách thuê tìm cách thắt chặt chi tiêu và xem xét lại cách thức làm việc tại văn phòng, từ đó dẫn đến tỷ lệ trống dự kiến tăng trong những tháng còn lại cuối năm.
Kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch
Nhiều chuyên gia nhận định, trong dài hạn, Việt Nam vẫn là điểm đến tốt nhất trong khu vực châu Á. So với các thành phố lớn tại các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thị trường văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội được xem là thị trường tiềm năng và phục hồi nhanh sau đại dịch.
Ly giải về điều này, bà Võ Thị Khánh Trang - Trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam - cho biết, trong khi hầu hết các TP nghiên cứu có giá thuê văn phòng hạng A giảm thì 2 TP của Việt Nam có giá thuê ổn định tại Hà Nội và tăng tại TP. Hồ Chí Minh. Trong khu vực ASEAN, giá thuê của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội chỉ xếp sau Singapore. TP. Hồ Chí Minh có tình hình hoạt động tốt nhất khu vực với công suất hoạt động 96% và giá thuê tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, văn phòng chất lượng cao có xu hướng hấp dẫn khách thuê nước ngoài, do đó sự quan tâm đối với hạng A sẽ tăng tỷ lệ thuận với dòng vốn FDI. TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục thu hút nguồn FDI và nằm trong Top 5 tỉnh, thành có vốn FDI cao nhất, kể cả trong những tháng đầu năm 2020 dưới tác động của dịch Covid.
Dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ tăng hậu đại dịch, khi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết trong thời gian qua và gần đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020.
Đồng quan điểm, bà Đặng Phương Hằng - Tổng giám đốc CBRE Việt Nam - cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 đã để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, khu vực châu Á – Thái Bình Dương được tin rằng sẽ bắt đầu hồi phục từ cuối năm nay cho đến hết năm 2021.
Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã và đang có nhiều giải pháp giải cứu nền kinh tế bị ảnh hưởng do dịch bệnh, thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính. Thị trường văn phòng kỳ vọng sẽ được phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng đại dịch Covid-19, đặc biệt là vào nửa cuối năm 2021 đầu năm 2022, khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài “đổ” vào Việt Nam sau khi đại dịch đã qua đi.