Thu phí không dừng liệu có "lợi ích nhóm"? |
Ngày 9/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Một trong những vấn đề được dư luận rất quan tâm là lắp đặt các trạm thu phí không dừng (ETC).
Tại buổi chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, cho đến nay, việc dán thẻ ETC đã đạt được khoảng 3,2 triệu thẻ trên tổng số hơn 4 triệu ô tô, chiếm khoảng 69%. Ngày 1/6 vừa qua, đã thí điểm thu phí không dừng hoàn toàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, mọi việc thực hiện tương đối tốt. Đây là tiền đề để triển khai thực hiện trong giai đoạn sắp tới.
“Với Tổng công ty Đường cao tốc, do vừa mới tháo gỡ cơ chế nên Chính phủ chỉ đạo đến 31/7 sẽ hoàn thành toàn bộ. Theo khảo sát của chúng tôi, tiến độ lần này đã đảm bảo. Đến ngày 30/6, các trạm BOT trừ các trạm thuộc Tổng công ty Đường cao tốc không hoàn thành, chúng tôi sẽ dừng thu phí, tập trung làm và khi làm xong chúng tôi sẽ cho thu phí lại. Tổng công ty Đường cao tốc cũng vậy, nếu đến ngày 31/7 không xong, chúng tôi sẽ cho xả trạm, khi nào xong mới thực hiện thu phí không dừng trở lại”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Lắng nghe những cam kết “chắc nịch”, những tín hiệu khả quan về việc triển khai thu phí không dừng của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, bên cạnh sự vui mừng, không ít người sẽ nhớ lại câu chuyện trong quá khứ.
Cụ thể, cách đây đúng 5 năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 437, trong đó có yêu cầu về việc thu phí không dừng trên các tuyến quốc lộ với thời hạn sau hai năm.
Thế nhưng, vào cuối năm 2019, khi thời hạn đã hết, Bộ Giao thông vận tải đã xin lùi thời hạn thêm một năm với lý do thiếu vốn. Đến cuối năm 2020, xe vẫn ùn tắc trước các trạm thu phí và cho đến thời điểm cuối tháng 4/2022, tình trạng trên vẫn tiếp diễn ngày càng nghiêm trọng.
Theo lý giải của Bộ Giao thông Vận tải, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ là do thiếu vốn đầu tư, hệ thống khác nhau, người dân chưa sẵn sàng... Thế nhưng, có một nguyên nhân khác mà chưa thấy bộ này nhắc tới như lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cường đã từng bày tỏ: “Dư luận đã nghi ngờ việc không áp dụng thu phí tự động là có sự che giấu nguồn thu. Thực tế thanh tra kiểm tra cũng đã phát hiện những trạm thu phí bằng tay đã giấu không khai đúng nguồn thu như thực tế”.
Trạm thu phí cao tốc Nội Bài - Lào Cai |
Vấn đề trên chỉ thực sự được giải quyết triệt để khi cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ra tối hậu thư yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với từng địa phương, từng nhà đầu tư BOT để thống nhất phương án lắp đặt các làn thu phí tự động còn lại tại tất cả các trạm thu phí và hoàn thành trong tháng 6/2022. Đến ngày 30/6/2022, nếu việc triển khai không đáp ứng tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo cấp thẩm quyền có biện pháp xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan nếu để chậm tiến độ hoàn thành hệ thống thu phí ETC…
Theo kế hoạch của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ 9h ngày 1/6/2022, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ thí điểm chỉ thu phí không dừng ETC đối với các phương tiện qua trạm. Các phương tiện không dán thẻ thu phí không dừng, hoặc có dán nhưng tài khoản không đủ để chi trả sẽ bị xử phạt nghiêm…
Vậy tại sao một vấn đề nóng, được Chính phủ và dư luận đặc biệt quan tâm triển khai dai dẳng trong nhiều năm không xong lại có được những tín hiệu khả quan trong chỉ hơn một tháng? Dư luận cho rằng vấn đề không phải là chuyện khó ở đâu? Khó như thế nào? Mà chính là việc Bộ Giao thông Vận tải có thực sự quyết tâm làm hay không. Chưa thực hiện mà đã kêu khó và bàn lùi thì khó có thể thành công được. Bộ Giao thông Vận tải chỉ thực sự quyết tâm làm khi thời gian vừa qua phải nhận những “sức ép” từ Chính phủ và dư luận.
Tháng 4 năm ngoái, trong một buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã từng gợi mở, định hướng tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận vấn đề trong chỉ đạo, điều hành để giải quyết công việc, đặc biệt khi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, cần quán triệt nguyên tắc "3 không": Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm (vì có khó khăn thì mới nhờ đến bộ).
Câu chuyện trên cũng chính là bài học cho Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị khác khi triển khai những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Khi cả tập thể đồng lòng, quyết tâm; có sự quyết liệt của người đứng đầu; biết gạt bỏ những lợi ích riêng tư thì nhiệm vụ khó khăn đến mấy cũng có thể thực hiện được.