Đây là lần đầu tiên Trung ương tổ chức một hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị theo hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến, kết nối đến cấp Đảng bộ xã.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới”. Hội nghị một lần nữa cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ trong phương thức lãnh đạo của Đảng nói chung, lãnh đạo phát triển kinh tế nói riêng. Lần đầu tiên Đảng ta tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai một nghị quyết của Bộ chính trị cho thấy tầm quan trọng của vấn đề và cũng thể hiện sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, hình thức trực tuyến cũng được áp dụng rộng rãi trong các hội nghị của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương, nhất là trong triển khai nghiên cứu, học tập, cụ thể hóa, thực thi nghị quyết. Việc đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp chủ trì một số hội nghị, thể hiện sự đổi mới học trong nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghị quyết với sự chuyên sâu theo các lĩnh vực, đúng theo tinh thần: “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”…
Ảnh minh họa |
Tinh thần đổi mới tại hội nghị lần này còn cho thấy Đảng ta rất chú trọng lãnh đạo phát triển kinh tế vùng. Hiện nay, nước ta được phân thành sáu vùng kinh tế - xã hội gồm: (1) Vùng trung du và miền núi phía bắc (14 tỉnh), bao gồm tiểu vùng Đông Bắc (10 tỉnh là Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang) và Tiểu vùng Tây Bắc (gồm 4 tỉnh là Hòa Bình, Sơn La, Điên Biên, Lai Châu). (2).Vùng đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố); (3) Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố); (4)Vùng Tây Nguyên (05 tỉnh); (5) Vùng Đông Nam bộ (06 tỉnh, thành phố) và (6) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố).
Trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đã có 6 nghị quyết và 6 kết luận về phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, giúp các vùng phát huy hết tiềm năng lợi thế của vùng nói chung và từng địa phương nói riêng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần”. Để nghị quyết đi vào cuộc sống cần thấm nhuần không chỉ ở các tổ chức đảng mà phải đến từng cán bộ, đảng viên và việc quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết rất quan trọng.
Được biết, sau hội nghị, Đảng ta sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết về vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và một số nghị quyết khác.
Hội nghị đầu tiên về vùng trung du và miền núi Bắc bộ còn cho thấy Đảng ta đánh giá vùng này có vị trí vô cùng quan trọng đối với cả nước, là vùng đảm bảo an ninh sinh thái, nguồn nước, an ninh năng lượng và quốc phòng, an ninh cho cả nước, là lá phổi của cả nước, phên dậu của Tổ quốc. Song sau 17 năm triển khai Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, vùng này vẫn là vùng trũng về phát triển và “lõi nghèo” của cả nước.
Việc Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về vùng sẽ mở đường cho chính sách mới và những cơ chế chính sách này giúp thu hút nguồn lực để cho phát triển của vùng trong giai đoạn tới.
Nghị quyết 11 với tính chất mở đường như vậy chắc chắn sẽ tạo động lực, chuyển động mới cho cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn quân, toàn dân ta. Trong đó, Bộ Công Thương với vai trò là bộ kinh tế đa ngành, là động lực phát triển kinh tế của đất nước đã, đang và sẽ có nhiều đổi mới quyết liệt trong quán triệt và triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết phát triển kinh tế vùng của Bộ Chính trị. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương trong các cuộc làm việc gần đây với các đơn vị trong ngành và các cơ quan ở trung ương và địa phương đều nhấn mạnh phải chú trọng thực hiện các quy hoạch của quốc gia, các vùng kinh tế và mỗi địa phương gắn với những quy hoạch, chiến lược của ngành Công Thương.
Đặt sự phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc bộ trong tổng thể phát triển của cả nước cũng như trong bức tranh hội nhập kinh tế quốc tế, phải có tầm nhìn và các giải pháp để tạo ra những đột phá mới trong phát triển công nghiệp và thương mại. Chỉ đơn cử như việc trong năm 2021 vừa qua, Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược tổng thể cho phát triển thị trường nội địa sẽ góp phần giải được rất nhiều bài toán hàng hoá mà việc triển khai Nghị quyết 11 tới đây cần quan tâm.
Trong triển khai Nghị quyết 11, cần có sự thay đổi tư duy về phân bổ nguồn lực. Đây là vùng có tiềm năng về thủy điện, rừng và kinh tế cửa khẩu nên phải đổi mới chính sách để phát triển tốt thủy điện, khai thác rừng, kinh tế cửa khẩu…Nếu các địa phương bám sát vào quy hoạch và các chiến lược của ngành Công Thương, chắc chắn sẽ tìm ra được những “chìa khoá” phát triển mới.