AI tạo video từ văn bản
Cụ thể, OpenAI ra mắt trí tuệ nhân tạo (AI) tạo video từ văn bản, có tên gọi là Sora ở cấp độ thử nghiệm. Mô hình AI này cho phép chuyển văn bản thành video chân thực dài tối đa một phút, tất cả đều dựa trên lời nhắc của người dùng.
OpenAI cho biết, Sora có khả năng tạo ra “những cảnh phức tạp với nhiều nhân vật, các kiểu chuyển động cụ thể cũng như các chi tiết chính xác về chủ đề và bối cảnh”.
Công ty cũng lưu ý, mô hình này có thể hiểu cách các vật thể “tồn tại trong thế giới vật chất” cũng như “diễn giải chính xác các đạo cụ và tạo ra các nhân vật hấp dẫn thể hiện cảm xúc sống động”.
Sora cũng có thể tạo video dựa trên hình ảnh tĩnh cũng như điền vào các khung hình còn thiếu trên video hiện có hoặc mở rộng video đó.
Trí tuệ nhân tạo đang đóng một vai trò ngày càng lớn trong tất cả các lĩnh vực. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, trước khi đưa Sora tới công chúng, OpenAI sẽ phải tiến hành nhiều biện pháp cẩn trọng nhằm đảm bảo sự an toàn. Nhà phát triển thừa nhận Sora vẫn còn một số vấn đề, như giữ cho hình ảnh chuyển động mượt mà hay phân biệt bên trái, phải.
Sora hiện chỉ dành cho một số ít người dùng thử nghiệm, đánh giá về mô hình và những tác hại, rủi ro tiềm ẩn. OpenAI cũng cung cấp quyền truy cập cho một số nghệ sĩ thị giác, nhà thiết kế và nhà làm phim để nhận phản hồi.
Trong tiếng Nhật, “sora” có nghĩa là bầu trời. Nhóm nghiên cứu đứng sau công nghệ này, bao gồm Tim Brooks và Bill Peebles đã chọn cái tên Sora vì nó “gợi lên ý tưởng về tiềm năng sáng tạo không giới hạn”.
OpenAI vẫn từ chối tiết lộ số lượng và nguồn gốc của các video đã dùng để đào tạo Sora. Mặc dù các video do Sora có thể gây ấn tượng mạnh nhưng thường chứa những hình ảnh kỳ lạ và không logic.
AI đe dọa việc làm
AI không còn là công nghệ của tương lai, mà là hiện thực. Công nghệ này đến năm 2030 sẽ tạo ra thị trường 15.700 tỷ USD và sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các quốc gia.
Trong tương lai không xa, AI sẽ thâm nhập vào mọi lĩnh vực, từ nông nghiệp đến năng lượng, từ quốc phòng đến giáo dục…
Một luận điểm đáng chú ý xuất phát từ một báo cáo của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs: “AI có thể thay thế 300 triệu việc làm toàn thời gian”, nhưng cũng nhấn mạnh: “AI có thể đồng thời tạo ra việc làm mới và tăng năng suất”. Tuy nhiên, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ước tính đến năm 2025, AI sẽ khiến 85 triệu người mất việc làm và tạo ra 97 triệu việc làm mới.
Theo Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva, có tới 40% việc làm bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của AI ở các nền kinh tế mới nổi và 26% ở các nước kém phát triển. Một trong những yếu tố khiến AI trở nên độc đáo là khả năng tác động đến những công việc đòi hỏi kỹ năng quan trọng.
IMF cho rằng, AI ban đầu có ít tác động đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, khả năng được hưởng lợi từ AI của các đối tượng này cũng thấp hơn. Điều này có thể làm gia tăng sự chênh lệch về kỹ thuật số và sự cách biệt về thu nhập giữa các nước. Cũng theo báo cáo, những người lao động lớn tuổi hơn sẽ có khả năng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi những thay đổi mà AI mang lại cao hơn.
Do đó, có tới 60% việc làm có thể bị ảnh hưởng bởi trí tuệ nhân tạo ở các nền kinh tế thuộc các quốc gia đang phát triển.
Bà Georgieva cảnh báo, trong hầu hết các kịch bản, AI sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng nói chung. Điều quan trọng là các quốc gia phải thiết lập mạng lưới an toàn xã hội toàn diện và cung cấp các chương trình đào tạo lại cho những người lao động.
“Ở các nước kém phát triển, AI sẽ khiến việc làm ít bị đe dọa hơn, tuy nhiên, nó lại giúp gia tăng năng suất ở các nước phát triển. Điều này mang đến cơ hội tăng sự giàu có về mặt kinh tế của các quốc gia này với phần còn lại của thế giới”, bà Georgieva nhấn mạnh.