Luôn hướng về quê hương
Trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, cái tên Vũ Duy Thức - CEO của Công ty OhmniLabs và Kambria (Mỹ) - là gương mặt được nhiều người biết tới khi anh nhận danh hiệu Tiến sĩ của Trường Đại học Stanford danh giá khi mới ở độ tuổi 28. Anh cũng là người sáng lập hàng loạt startup công nghệ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài |
Dành thời gian trò chuyện với chúng tôi giữa lịch trình bận rộn trong lần trở về nước những ngày gần cuối tháng 8/2018, anh nhấn mạnh, rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học Việt kiều mong muốn trở về nước làm việc hoặc có thể đóng góp cho đất nước từ xa. Người Việt Nam nào dù đi đâu cũng đều có tấm lòng hướng về quê hương. Anh Vũ Duy Thức cho biết, hiện nay, anh đang tham gia thực hiện một số dự án phát triển trung tâm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) với các trường đại học tại Việt Nam nhằm tạo sân chơi cho các bạn học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu cùng nhau làm việc để đưa ra giải pháp mới về AI và Robotics. Bên cạnh đó, đem chương trình giảng dạy từ nước ngoài về để truyền đạt cho các kỹ sư tại Việt Nam. "Trong thời gian ngắn hạn, tôi hy vọng sẽ tạo ra được đội ngũ kỹ sư lập trình đầu tiên cho mạng lưới AI tại Việt Nam" - anh Vũ Duy Thức nói.
Cũng giống như Vũ Duy Thức, Tiến sĩ Phạm Quang Cường - giảng viên Trường Đại học Nanyang (Singapore) và là đồng sáng lập Công ty Eureka Robotics - đã ở nước ngoài hàng chục năm nhưng luôn luôn hướng về Việt Nam.
Với vốn tiếng Việt phong phú, anh chia sẻ: "Có nhiều bạn sang nước ngoài từ bé như tôi, chỉ sau vài năm ngắn ngủi đã quên mất tiếng mẹ đẻ, nhưng trong thâm tâm tôi, tôi luôn nghĩ mình là người Việt Nam. Dù ở nước ngoài, tôi tìm mọi cơ hội để hợp tác với đồng nghiệp trong nước như giảng viên ở Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội… để triển khai một số đề tài, dự án nghiên cứu".
Với Nguyễn Tiến Long - Quản lý dự án của Công ty Tractebel, Tập đoàn Engie (Pháp) – anh không chỉ gây ấn tượng về bảng thành tích học tập đáng nể, mà còn bởi hoạt động kết nối với cộng đồng trong nước. Anh đang tham gia tích cực Hội chuyên gia toàn cầu AVSE Global. Bên cạnh đó, mời các chuyên gia hàng đầu của thế giới về Việt Nam giảng dạy hoặc đào tạo cho đội ngũ từ Việt Nam sang Pháp. Đồng thời, tổ chức các hội thảo nghiên cứu khoa học quốc tế.
Phát huy nguồn lực trí thức
Từ bao đời nay, hiền tài đã được coi là nguyên khí quốc gia. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha ta, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng đến việc đào tạo và trọng dụng nhân tài. Trên Báo Cứu quốc, Người đã viết: "Nhà nước cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài".
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng chăm lo đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đưa ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm thu hút và trọng dụng người tài, trong đó có đội ngũ các nhà khoa học, trí thức ở nước ngoài. Chẳng hạn, Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016 – 2020.
Tạo môi trường nghiên cứu khoa học lý tưởng là đòi hỏi cấp thiết |
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phê duyệt Đề án "Xây dựng mạng lưới chuyên gia Việt Nam trên thế giới". Đặc biệt, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tổ chức Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018, một lần nữa khẳng định quan điểm của Chính phủ là cam kết tạo mọi điều kiện về môi trường sống, làm việc tại quê hương để nhân tài thỏa sức sáng tạo, cống hiến.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Cường - Giám đốc Mạng lưới cơ học, cơ khí chế tạo, xây dựng (Hội chuyên gia toàn cầu AVSE Global) – cho rằng, để huy động nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài trở về đóng góp cho nước nhà, cần phải quyết liệt thay đổi cơ chế, chính sách.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Bùi Hải Hưng - nhà nghiên cứu của Google DeepMind (Mỹ) - chia sẻ, nếu có cơ hội tốt, tôi sẽ trở về làm việc tại Việt Nam. Phần lớn những người Việt Nam ở nước ngoài đều mong muốn nhìn thấy các ngành mà họ đang công tác, nghiên cứu sẽ phát triển một cách mạnh mẽ hơn. Quan trọng là phải làm sao tạo được môi trường, điều kiện làm việc phù hợp, khơi nguồn hứng khởi cho những trí thức Việt Nam ở nước ngoài.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 400.000 trí thức kiều bào có trình độ từ đại học trở lên, tập trung chủ yếu ở các nước Mỹ, Pháp, Úc, Canada, Đức, Nhật, Nga... Hầu hết họ làm việc ở các trung tâm nghiên cứu khoa học, trường đại học, ngành khoa học, tổ chức quản lý kinh tế, tài chính ngân hàng… |