Hen phế quản có thể chữa khỏi không? |
Thời tiết thay đổi - yếu tố thuận lợi cho virus gây bệnh
Viêm phế quản cấp ở trẻ em thường do virus truyền nhiễm gây ra. Cùng một loại virus gây cảm lạnh có thể gây ra viêm phế quản cấp tính. Đầu tiên, virus ảnh hưởng đến mũi, xoang và cổ họng của trẻ. Sau đó, nhiễm trùng di chuyển đến niêm mạc của các ống phế quản. Khi cơ thể trẻ chống lại virus sẽ xảy ra sưng tấy và tạo ra chất nhầy.
Nếu được điều trị đúng cách, bệnh viêm phế quản ở trẻ em có thể trị dứt điểm |
Trẻ có thể nhiễm virus khi hít thở hoặc tiếp xúc với da. Hoặc có nguy cơ nhiễm virus cao hơn nếu tiếp xúc gần với người bị cảm lạnh hoặc viêm phế quản cấp tính.
BS.CKI Phạm Ngọc Tường Vy - Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh - cho biết, các bệnh về hô hấp ở trẻ nhỏ, trong đó có bệnh viêm phế quản thường gia tăng vào thời điểm giao mùa, bởi thời tiết thay đổi thất thường là yếu tố thuận lợi cho các loại virus phát triển và gây bệnh.
Ngoài ra, môi trường ô nhiễm cũng là một yếu tố góp phần làm tăng tỷ lệ mắc viêm phế quản ở trẻ em. Nếu cơn sốt không thuyên giảm, trẻ có biểu hiện nằm li bì mệt mỏi, khó thở, không ăn uống thì cần phải đưa trẻ đến khám càng sớm càng tốt. Rất nhiều bố mẹ chủ quan, tự ý điều trị cho trẻ bằng kháng sinh ở nhà dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Viêm phế quản cấp tính còn do những nguyên nhân khác như: Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm; tiếp xúc với các chất gây kích ứng như khói, bụi…; mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, gây ra chứng ợ nóng, axit trong dạ dày xâm nhập vào các ống phế quản.
Ở các trẻ có cơ địa dị ứng, miễn dịch kém, nhiễm khuẩn mạn tính ở đường hô hấp như viêm VA, viêm amidan, viêm xoang, tiếp xúc nhiều với khói thuốc, bụi… thì viêm phế quản càng dễ tái phát.
Dấu hiệu nhận biết sớm
Theo các bác sỹ, viêm phế quản hay viêm phế quản cấp ở trẻ em nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời không gây ảnh hưởng gì đến trẻ. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ bị viêm phế quản cấp nặng, cha mẹ không phát hiện sớm khiến bệnh tiến triển đến giai đoạn nguy hiểm kèm theo chữa trị sai cách sẽ làm gia tăng nguy cơ bị biến chứng.
Một số vấn đề mà trẻ có thể gặp phải như: Viêm phế quản cấp tính ở trẻ kéo dài, không được điều trị kịp thời sẽ gây bệnh viêm phổi; tình trạng viêm phế quản rất dễ phát triển thành hen mãn tính khi bệnh không được điều trị dứt điểm, lặp đi lặp lại nhiều lần; không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể bị tràn dịch phổi và gây tử vong; có thể gây ra tình trạng suy hô hấp do tắc hẹp ống thở, phù nề niêm mạc phế quản.
Những triệu chứng có thể dễ dàng nhận biết trẻ mắc viêm phế quản:
Giai đoạn khởi phát: Xuất hiện các triệu chứng viêm long đường hô hấp trên cùng các triệu chứng khác như sốt nhẹ, hắt hơi, ho khan, sổ mũi tới ngạt mũi.
Giai đoạn phát bệnh: Trẻ bị sốt nặng hơn, nghe thấy tiếng thở khò khè hoặc thở bằng miệng, da tím tái, xanh xao. Những biểu hiện rối loạn tiêu hóa ở mức độ nhẹ xuất hiện.
Giai đoạn nguy hiểm: Trẻ có thể sốt cao trên 39 độ C, chân tay yếu mềm, da khô, môi khô, chảy mồ hôi, khó thở, bỏ ăn, bỏ bú.
Cơn ho của trẻ kéo dài (tương tự như ho gà hoặc ho lao), có thể có đờm, thở khò khè hoặc thở bằng miệng, lồng ngực phập phồng. Trẻ có làn da xanh xao, môi và đầu ngón tay, ngon chân tím tái. Nôn, tiêu chảy có thể xảy ra. Nghiêm trọng hơn sẽ có những biểu hiện về thần kinh như ngủ li bì, hôn mê, co giật, mạch yếu, tim đập nhanh.
Cách điều trị
Nếu được điều trị đúng cách, bệnh viêm phế quản ở trẻ em có thể trị dứt điểm. Trường hợp bệnh nhẹ, bác sỹ khuyến cáo cha mẹ không nên dùng thuốc kháng sinh cho trẻ. Phương pháp tốt nhất để trị bệnh là làm long đờm và cho trẻ ăn uống đầy đủ. Chăm sóc đúng cách, bệnh có thể tự khỏi sau vài ba ngày.
Đối với viêm phế quản ở trẻ sơ sinh, bé còn bú nên mẹ nên tăng cường cho trẻ bú nhiều hơn. Trường hợp trẻ đã bước vào tuổi ăn dặm, mẹ cần cung cấp nhiều nước cho trẻ. Giữ ấm cho trẻ và vệ sinh tai mũi họng của trẻ thường xuyên bằng những dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
Với những trẻ bị sốt, mẹ không nên ủ ấm trẻ quá kỹ. Nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát. Mẹ có thể chườm nhẹ vùng nách, cổ, bẹn cho trẻ. Nếu trẻ sốt cao, mẹ cần phải tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường hoặc cơn sốt không giảm, tốt nhất nên đưa trẻ đi thăm khám càng sớm càng tốt.