Trào lưu vẽ cờ Tổ quốc trên mái nhà xuất phát từ clip của một TikToker Vĩnh Phúc để hưởng ứng dịp lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2024). Hành động này đã nhanh chóng trở thành trào lưu và được nhiều người hưởng ứng. Nhiều lá Quốc kỳ đã được vẽ, sơn và xuất hiện từ trên nóc nhà, đến bức tường, cánh cửa của nhiều nhà, nhiều cơ sở kinh doanh. Không chỉ cá nhân mà nhiều trường học, cơ sở, doanh nghiệp cũng nhanh chóng hưởng ứng trào lưu này.
Ngay sau khi xuất hiện, đông đảo cư dân mạng nhận xét và cho rằng đây là “trend” - xu hướng ý nghĩa nhất họ từng thấy và sẽ trở thành hình ảnh đẹp để chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh Việt Nam.
Nhiều chuyên gia xã hội học cũng đánh giá, đây là xu hướng đúng đắn, cần được nhân rộng. Nguyên nhân chính khiến xu hướng này ngày càng phổ biến và có nhiều người làm theo là bởi hành động này đã chạm đến lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương quan điểm về trào lưu vẽ cờ Tổ quốc trên mái nhà |
Dù vậy, ở một góc độ khác, nhà báo, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam cho rằng cần cân nhắc, để vừa bảo đảm tính thiêng, vừa thực hiện các quy định của hiến pháp và pháp luật khi sử dụng Quốc kỳ và hình ảnh lá cờ Tổ quốc
Chia sẻ với Báo Công Thương, nhà báo, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nêu quan điểm, chưa bàn đến chuyện nên hay không nên, cấm hay không cấm trào lưu này, nhưng khi sử dụng Quốc kỳ hay Quốc huy, Quốc ca thì tất cả phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
Khoản 1 Điều 13 Hiến pháp năm 2013 quy định: Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng có Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo quy định “…Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh...; Điểm giữa ngôi sao vàng đặt đúng điểm giữa (điểm giao nhau của hai đường chéo) Quốc kỳ; Khoảng cách từ điểm giữa ngôi sao đến đầu cánh sao bằng một phần năm chiều dài của Quốc kỳ; Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài Quốc kỳ và hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo Quốc kỳ; Tạo hình ngôi sao: Từ đầu cánh sao này đến đầu cánh sao đối diện là đường thẳng, không phình ở giữa, cánh sao không bầu; Hai mặt của Quốc kỳ đều có ngôi sao vàng trùng khít nhau; Nền Quốc kỳ màu đỏ tươi, ngôi sao màu vàng tươi...”.
Như vậy, việc vẽ và sơn cờ Tổ quốc trên mái nhà, trên tường, trên cửa là quyền tự do của mỗi người, nhưng phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về kích thước, màu sắc cũng như các quy định liên quan.
Nhưng trong trào lưu vẽ cờ Tổ quốc trên mái nhà, trên tường, trên cửa như hiện nay, nhiều người chưa biết và chưa tuân thủ những quy định đó cả về kích thước, màu sắc.
“Có người vẽ Quốc kỳ hình vuông, vẽ màu vàng không tươi, màu đỏ không tươi... thậm chí, nhiều người vẽ lá cờ trên mái nhà rồi đứng luôn trên nền đỏ chụp ảnh “checkin”.
Rồi những lá cờ vẽ trên mái tôn, trên mái ngói, lâu rồi cũng sẽ bị phai màu bong tróc theo thời gian... Các bạn có khắc phục được không hay cứ để bạc màu? Như vậy, vẽ Quốc kỳ trên mái nhà là không nên. Bởi Quốc kỳ khi đã bạc màu, khi bị rách cũng có những quy định sử dụng và cất giữ” - nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ và nhấn mạnh, chúng ta đều có tình yêu nước, nhưng yêu nước cũng cần gắn với sự chân thành và trách nhiệm, đó là việc tuân thủ các quy định của pháp luật.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, xu hướng vẽ cờ Tổ quốc là không nên khi nhiều người chưa biết đến các quy định về sử dụng Quốc kỳ. Ảnh tổng hợp trên mạng xã hội |
Cách đây 13 năm (2011), nữ họa sỹ Trần Thu Thủy, sau khi hoàn thành công trình "Con đường gốm sứ" dài 6km ở ven đê sông Hồng, Hà Nội, đã nêu ý tưởng: Dùng hàng trăm nghìn mảnh gốm mosaic 2 màu đỏ và vàng dán bằng vữa và chất liệu kết dính lên mái nhà của tòa nhà lớn nhất trên đảo Trường Sa lớn hình lá cờ Tổ quốc. Ý tưởng này được ủng hộ nồng nhiệt, nhất là Bộ tư lệnh Hải quân và quân dân huyện đảo Trường Sa. Thi công mấy tháng trời thì xong (tháng 6/2012). Với 310.000 mảnh gốm mosaic ghép lại, lá cờ đỏ sao vàng rộng 310m2, cỡ 15mx 20,8m (theo đúng tỷ lệ chiều rộng bằng 2/3 chiều dài). Đi máy bay, đi tàu thủy, qua ảnh vệ tinh trên các ứng dụng của Google, Apple..có thể nhìn thấy lá cờ kiêu hãnh, tự hào của Tổ quốc; Và điều quan trọng hơn, là khẳng định chủ quyền quốc gia nơi mà kẻ thù từng chiếm đảo và bãi đá ngầm của nước ta (Hoàng Sa, Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao...); thể hiện tình yêu Tổ quốc giữa trùng khơi, giữa phong ba, bão táp....
Chúng tôi xin nhắc lại và nhấn mạnh: Chất liệu làm lá cờ Tổ quốc là bằng rất nhiều mảnh gốm mosaic - loại vật liệu có độ bền cơ học và màu sắc ổn định, rất khó phai màu, rất khó rạn nứt.
Nhưng gần đây, ở đất liền, nơi thôn xóm, phố thị bình yên, chả hiểu sao nhiều người dân theo nhau, đua nhau sơn lên mái nhà mình hình lá cờ Tổ quốc đỏ rừng rực, trải rộng, và điều đáng lo ngại là không đúng cách (kích cỡ, hình khối, tỉ lệ bề ngang, bề dọc, chất liệu sơn, không tính đến yếu tố thời tiết, khi sơn bong tróc, có người khi chụp ảnh còn dẫm chân lên cờ...). Đó là chưa nói đến các yếu tố kiến trúc, thiết kế, xây dựng, trang trí nội ngoại thất, khí hậu, môi trường...cho ngôi nhà và cảnh quan xung quanh. Xu hướng của thế giới là xanh hóa, đưa cây xanh, cây cảnh, các loại hoa vào không gian sống của con người.
Dẫn lời của nhà thơ Chế Lan Viên: “Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...”, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh thêm một lần nữa, chúng ta có nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Lòng yêu nước bắt nguồn từ những hành động nhỏ bé, bình dị hàng ngày như: Thương mẹ, thương cha, yêu vợ, yêu chồng, giúp đỡ đồng nghiệp, giúp đỡ người nghèo... Mỗi một việc làm tốt đã là một biểu hiện của lòng yêu nước.