Tác giả Đỗ Thành Lam tên thật là Đỗ Ngọc Giới, sinh năm 1934, vốn là một cựu binh. Gia đình ông có truyền thống Nho học. Sau khi trở về từ chiến trường, ông được giao việc chắp bút viết sử làng Xuân Phả (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
Tác giả Đỗ Thành Lam - người đứng thứ 2 từ trái sang |
Trong quá trình thực hiện công việc, ông Lam đã dùng cuốn Âm dương đổi lịch 2.000 năm để tra cứu, quy đổi các niên đạo liên quan đến những sự kiện của làng. Và ông cho rằng, cuốn lịch có nhiều chi tiết sai, dẫn đến các mốc thời gian, tiết khí bị sai. Và từ năm 1984, ông đã dành rất nhiều thời gian cũng như tâm huyết để “đi tìm sự thật về thời gian lịch”.
Sau 15 năm, đến 1999, ông viết xong cuốn sách Lịch âm dương 3240 năm - Can chi Thiên niên Vĩnh Cửu. Đến năm 2000, cuốn sách được Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận quyền tác giả. Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức tọa đàm vào ngày 4/9/2003; đến ngày 27/7/2004 thì thành lập Hội đồng khoa học công nghệ cấp Nhà nước thẩm định lịch 3240 năm. Sách lịch 3240 năm đã được NXB Tri Thức ấn hành, ngày 17/5/2011 in xong và nộp lưu chiểu quý III/2011. Ngày 19/7/2019, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận và cấp bằng kỷ lục Việt Nam với công trình này.
Chia sẻ cảm xúc về sự kiện này, tác giả Đỗ Thành Lam cho hay, với việc được xác lập kỷ lục Việt Nam, tôi hy vọng cuốn Sách lịch 3240 sẽ được các nhà khoa học trong và ngoài nước chú ý và có sự thẩm định thông tin một cách chuẩn xác, từ đó đưa ra những phương án cải cách lịch để đảm bảo sự hoàn thiện của lịch, của chu kỳ thời gian chuẩn xác nhất cho nhân loại. Vì điều này sẽ liên quan đến ý nghĩa đối với các mùa, tiết khí, tôn giáo hay xã hội.