Trước thực trạng nhân lực ngành da - giày Việt Nam được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành đang thiếu trầm trọng, năm 2016 Viện Nghiên cứu da - giày cùng với Viện Dệt may, da - giày thời trang và Viện Đào tạo liên thông thuộc Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã ký biên bản hợp tác phối hợp mở khóa đào tạo kỹ sư ngành công nghệ da - giày.
Trải qua 30 tháng đào tạo, 22 sinh viên đầu tiên là những cán bộ, công nhân kỹ thuật đang công tác tại các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu về da - giày đã hoàn thành chương trình đào tạo và nhận bằng tốt nghiệp với 7 sinh viên đạt loại giỏi và 17 sinh viên đạt loại Khá.
Phát biểu tại lễ trao bằng tốt nghiệp, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục - Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Là cơ sở đào tạo với bề dày truyền thống 63 năm xây dựng và phát triển, chúng tôi kỳ vọng 22 tân kỹ sư này sẽ cùng với hơn 120.000 cựu sinh viên đã tốt nghiệp của Trường đại học Bách khoa sẽ đem những kiến thức của mình góp phần làm rạng danh nhà trường trong công cuộc xây dựng phát triển kinh tế đất nước và tạo nên những thành công của mỗi cá nhân các tân kỹ sư tại các đơn vị mà mình công tác”.
Chia sẻ với các tân kỹ sư ông Nguyễn Hải Trung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu da - giày - cho biết, với mục tiêu đào tạo gắn với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tôi kỳ vọng các tân kỹ sư này sẽ phát huy kỹ năng nghề nghiệp của mình tại các cơ sở sản xuất, nghiên cứu cũng như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tại doanh nghiệp. Đây là khóa đầu tiên của Việt Nam đào tạo kỹ sư ngành Công nghệ da - giày, mong rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều khóa đào tạo như vậy tiếp tục được mở để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành da - giày.
Ông Nguyễn Hải Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu da - giày phát biểu tại lễ trao bằng tốt nghiệp |
Việt Nam hiện là một các nước sản xuất dệt may - da giày đứng thứ 5 thế giới. Hiện nay ngành có khoảng 8.000 doanh nghiệp với trên 3 triệu lao động. Sản phẩm dệt may - da giày của Việt Nam đã có mặt trên 80 nước ở khắp các châu lục. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực ngành dệt may vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Đây là thách thức rất lớn khi ngành dệt may Việt Nam đang trong xu thế vươn lên để cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng, cũng như có thể đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0