|
Triển lãm tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay |
Tranh dân gian Đông Hồ là một sản phẩm truyền thống đặc trưng tiêu biểu của Việt Nam, truyền tải những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với cuộc sống thường ngày của nhân dân. Tranh được in trên giấy điệp, với các hình vẽ, đường nét, hình mảng, màu sắc trầm ấm, không gian ước lệ. Bằng lối tư duy đơn giản, bút pháp khỏe khoắn, tinh tế, các nghệ nhân đã đưa nhiều hàm ý trong mỗi bức tranh đến với những người yêu nghệ thuật.
|
Một số bộ tranh in lưu giữ gần một thế kỷ |
|
Tranh Đông Hồ rất phong phú mẫu mã, chủng loại |
|
Triển lãm thu hút mọi đối tượng đến tham gia, trải nghiệm |
Dòng tranh dân gian Đông Hồ rất phong phú và đa dạng cả về mẫu mã, thể loại, chủ đề, phản ánh hầu hết các mặt trong đời sống bình dị của người lao động như: Chăn trâu thổi sáo, Hứng dừa, Đấu vật, Đánh ghen… cho tới những ước mơ, khát vọng cuộc sống tốt đẹp hơn như: Lễ trí, Nhân nghĩa, Vinh hoa, Phú quý, Lợn đàn, Gà đàn… Nét hấp dẫn của tranh dân gian Đông Hồ không chỉ đề cập đến cuộc sống: Thóc đầy bồ, gà đầy sân, mong ước vinh hoa phú quý… mà còn đề cập đến cuộc sống lứa đôi, vợ chồng với cái nhìn hóm hỉnh mà sâu sắc. Hơn 400 năm trôi qua, dòng tranh này vẫn, đã và đang là sản phẩm văn hóa tinh thần, có giá trị nghệ thuật đối với nhiều thế hệ người dân Việt Nam.
|
Tranh những chú bé mũm mĩm |
|
Chăn trâu thổi sáo |
|
Đám cưới chuột |
|
Lợn ăn lá dáy |
Triển lãm “Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay” trưng bày hai phòng tranh với hơn 100 hiện vật từ tranh in cho đến các ván khắc, dụng cụ thực hành nghề. Phòng tranh Đông Hồ xưa trưng bày một số bộ tranh in lưu giữ gần một thế kỷ và tranh in theo mẫu truyền thống được ưa chuộng hiện nay. Đó là hình ảnh các con vật quen thuộc trong các tranh như gà đàn, lợn đàn, gà thư hùng, lợn ăn lá dáy... Hình ảnh em bé mũm mĩm trong tranh vinh hoa, phú quý, nhân nghĩa, lễ trí... Tất cả đều hàm chứa giá trị biểu tượng tốt đẹp, đại diện cho sự chúc tụng trường thọ, sung túc, con cháu đủ đầy, học hành đỗ đạt cao...
|
Tranh dân gian Đông Hồ với nét đẹp giản dị |
|
Du khách rất ấn tượng với những bản khắc gỗ |
Triển lãm đã thật sự trở thành ngày hội về thẩm mỹ, sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ nhân kiến tạo nên không gian thẩm mỹ của tranh dân gian Đông Hồ với nét đẹp giản dị, chân chất nhưng hàm đựng đầy đủ ý nghĩa nhân văn, có giá trị giáo dục truyền thống.
|
Tranh rất gần gũi thân quen |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong cho biết: Tranh dân gian Đông Hồ là một sản phẩm truyền thống đặc trưng tiêu biểu của Việt Nam, chuyển tải những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với cuộc sống thường ngày của nhân dân. Triển lãm lần này nhằm giới thiệu với công chúng những nét độc đáo, đặc trưng riêng có của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.
|
Dụng cụ làm tranh Đông Hồ |
|
Làm tranh Đông Hồ phải rất công phu và cẩn thận |
|
Tranh Đông Hồ được in trên giấy điệp |
|
Nếu có 5 màu thì 5 lần in |
Tại đây, công chúng sẽ được xem một số tranh cổ, tranh in theo mẫu xưa, hay các tranh sáng tác theo phong cách và kỹ thuật mới được các gia đình nghệ nhân sưu tập. Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh chia sẻ: Tranh Đông Hồ không vẽ theo cảm hứng mà in theo các bản khắc gỗ. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp, người làm nghề nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn, (hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó.
|
Màu sắc trầm ấm |
Để hoàn thành một sản phẩm, không kể khâu khắc tranh trên bản gỗ, có sẵn giấy và màu, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận từng giai đoạn: Sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quết điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi… Trước khi in, giấy được bồi điệp làm nền, chất điệp óng ánh tạo nên chất liệu riêng biệt của tranh dân gian Đông Hồ. Sau khi in thành tranh, kể cả lúc tranh khô, người xem vẫn cảm nhận được màu sắc của tranh thật tươi tắn như lúc tranh ướt. Các hình khối, mảng nọ đặt cạnh mảng kia có sự hài hòa tự nhiên.
|
Tranh được sáng tác mới của một số nghệ nhân đương đại |
|
Bác Hồ với thiếu nhi và tấm áo năm xưa |
|
Vinh quy bái tổ |
Bên cạnh những bức tranh quen thuộc, sức hút của triển lãm đến ở căn phòng tiếp theo khi công chúng được ngắm nhìn tập hợp tranh được phục chế gần đây và các sáng tác mới của một số nghệ nhân. Tranh phục chế là các mẫu được cho là đã thất lạc, lấy từ nguồn tư liệu đáng quý của Maurice Durand, Henri Oger, Jean-Pierre Pascal. Căn phòng cũng giới thiệu những hình ảnh đặc trưng trong các trang nghinh xuân, sơn du, phúc lộc song toàn, thập nguyệt dưỡng thai... Hình ảnh xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc trong tranh với phong tục cải lương, văn minh tiến bộ, nhảy đầm, thể dục chấn hưng... Loạt tranh mới sáng tác của các nghệ nhân là sự cải tiến trong cách thức thực hiện và nội dung biểu đạt sẽ làm cho triển lãm phong phú, đa dạng.
|
Cây lúa, đi cày |
|
Triển lãm là dịp để quảng bá nét đẹp và giá trị nghệ thuật tranh Đông Hồ |
Triển lãm “Tranh dân gian Đông Hồ xưa và nay” nằm trong chuỗi các hoạt động xây dựng Hồ sơ ứng cử quốc gia “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” trình UNESCO, nhằm khôi phục, bảo vệ và phát triển nghề làm tranh dân gian trong giai đoạn hiện nay. Triển lãm cũng là dịp để tuyên truyền, quảng bá nét đẹp văn hóa, giá trị nghệ thuật, đồng thời khẳng định giá trị và sức sống trường tồn của dòng tranh dân gian Đông Hồ.