Cũng khá lâu rồi mới có một lượng lớn tranh cổ động được các họa sĩ thể hiện. Cụ thể, BTC đã nhận được 1.295 tác phẩm của hơn 400 họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên trên toàn quốc gửi tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến và Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức. BTC đã chọn ra hơn 100 bức tranh cổ động xuất sắc nhất để trưng bày tại triển lãm.
Trong đó, 60 tác phẩm tranh cổ động thể hiện nội dung tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến; được các tác giả thể hiện rõ nét qua những hình ảnh, mảng màu và ý tưởng sáng tác cô đọng, súc tích. Các tác phẩm đã thể hiện được truyền thống yêu nước và lịch sử vẻ vang, ý chí độc lập tự do, khí phách quật cường của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; khẳng định chủ trương phát động toàn quốc kháng chiến là quyết định đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; qua đó, góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng.
Một tác phẩm tại triển lãm |
Với 54 tác phẩm tranh cổ động tuyên truyền thực hiện Nếp sống văn minh trong lễ hội, các tác giả đã phác họa được những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam; đồng thời phê phán những hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam trong hoạt động lễ hội như: trang phục phản cảm, chen lấn, xô đẩy, lợi dụng lễ hội hành nghề mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, đốt vàng mã không đúng nơi quy định... Thông qua tác phẩm tranh cổ động nhằm tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về vai trò quan trọng của việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo các giá trị văn hoá của nhân dân; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh người có công với dân, với nước, tạo khí thế vui tươi, lành mạnh đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
Triển lãm là hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến và nằm trong chuỗi hoạt động chuẩn bị cho Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II tại tỉnh Hà Giang. Sau khi kết thúc triển lãm tranh tại thành phố Hà Giang, Sở VHTTDL sẽ phối hợp với UBND các huyện tổ chức triển lãm tại các huyện, thị trong tỉnh nhằm tuyên truyền sâu rộng tới quần chúng nhân dân. Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/8) tuyên truyền thực hiện “Nếp sống văn minh trong lễ hội” do Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTTDL) phát động từ ngày 1/7/2016.
Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa lịch sử 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến, truyền thống anh dũng, quật cường, mưu trí, sáng tạo và ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất đất nước của dân tộc.
Đồng thời, tôn vinh và tri ân những đóng góp, cống hiến to lớn của các tầng lớp nhân dân, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc thi cũng nhằm tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là đối với việc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, chống các thông tin, quan điểm sai trái và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, tạo không khí phấn khởi, tự hào, tin tưởng trong các tầng lớp nhân dân; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Song song với cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến, cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền thực hiện “Nếp sống văn minh trong lễ hội” nhằm tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về vai trò quan trọng của việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức tự giác thực hiện nếp sống văn minh.
Cụ thể là tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo các giá trị văn hóa của nhân dân; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh người có công với dân, với nước, tạo khí thế vui tươi, lành mạnh đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, giữ gìn, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; trang phục phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, ứng xử có văn hóa; vệ sinh, bỏ rác đúng nơi quy định, không lợi dụng lễ hội hành nghề mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, hạn chế đốt vàng mã tại các lễ hội...