Đang dừng xe chờ chuyển tín hiệu đèn giao thông, còn vài giây nữa là đèn đỏ chuyển sang đèn xanh bỗng tiếng còi xe nổi lên inh ỏi cùng những tiếng kêu: “Đi…đêêêê… ông ơi…!”.
Cảnh tượng này không hiếm gặp tại bất cứ các giao lộ tại các đô thị, nhất là trên các giao lộ luôn bận rộn với lượng người xe qua lại ở Việt Nam hiện nay.
Chứng kiến cảnh này, mấy người bạn ngoại quốc của chúng tôi khi có dịp gặp nhau đều nói là với họ, giữa những cái sự lạ ở Việt Nam, không hiểu sao người Việt Nam có thể tiêu tốn hàng giờ cho việc ngồi quán xá cùng việc “chấm, lướt” smartphone lại bỗng trở nên sốt ruột, thậm chí hung hăng một cách bất thường ở cái khoảng thời gian vài giây giữa đèn đỏ và đèn xanh.
Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến đề xuất bỏ đèn giao thông đếm ngược, là ý tưởng đang được thí điểm áp dụng ở một số giao lộ tại TP. Hồ Chí Minh.
Lý do của việc áp dụng thí điểm này đến từ tình trạng người dân tăng tốc vượt khi đèn xanh chỉ còn vài giây; hoặc cố vượt khi chưa hết đèn đỏ. Việc hai bên đều tranh thủ vài giây là nguyên nhân dẫn đến va chạm giao thông.
Việc bỏ đèn giao thông đếm ngược cần được dựa trên những cơ sở khoa học. |
Một vài người ủng hộ đề xuất bỏ đèn giao thông đếm ngược này còn nêu kinh nghiệm một số nước quanh Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc đã bỏ đèn đếm ngược này.
Cần khẳng định rằng, việc đưa vào vận hành hệ thống đèn giao thông đếm ngược tại các giao lộ ở các đô thị Việt Nam trong vòng hơn chục năm trở lại đây thực sự hữu ích với người tham gia giao thông. Nhưng trên thực tế sự vận hành của hệ thống này đã cho thấy một số bất cập trước sự bùng nổ của mật độ giao thông tại Việt Nam như tại nhiều ngã ba, ngã tư duy trì tín hiệu đèn đỏ quá lâu trong khi tín hiệu đèn xanh quá ngắn không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn góp phần kích ứng cái “nóng” trong ý thức người tham gia giao thông.
Và bỗng nhiên, ùn tắc giao thông, va chạm giao thông đã tìm thấy một vật hy sinh “lý tưởng” là đèn giao thông đếm ngược để quy lỗi, và nếu có thể sẽ dẫn tới huỷ bỏ một phát minh có thể nói là rất hữu ích được áp dụng lâu nay.
Nhiều người chép miệng bảo tại sao giữa thời đại công nghệ, chúng ta lại bỗng chọn một lối ứng xử mang đậm chất “cổ xưa” như vậy để thay cho ứng xử công nghệ, chẳng hạn, sao không nhờ đến cái "anh" AI gợi ý xem nên bố trí liều lượng đếm ngược cho phù hợp với thực tế tại các giao lộ ở các đô thị Việt Nam hiện nay.
Bàn về câu chuyện đèn giao thông đếm ngược “tồn tại hay không tồn tại” như câu tự vấn của chàng Hamlet thuở nào, nhiều chuyên gia có chung nhận định là việc duy trì đếm ngược đèn tín hiệu giao thông là hoàn toàn cần thiết vì nó minh thị rõ ràng cho người đi đường cùng tài xế biết để chủ động điều chỉnh tốc độ lái xe và dừng xe. Còn lý do nói có đèn đếm ngược sẽ khiến cho người tham gia giao thông tranh thủ vượt đèn vàng cũng chưa hợp lý.
Thành thử cái cốt lõi ở đây lại là vấn đề xưa như trái đất, đó là ý thức của người tham gia giao thông.
Đèn giao thông đếm ngược là một cấu phần nhỏ của cả một hệ thống lớn hơn là hạ tầng giao thông và đi cùng đó là luật giao thông. Có thể nói trong những năm qua, cùng với hạ tầng giao thông được cải tiến đáng kể, các quy định của luật giao thông đã có nhiều điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn giao thông tại Việt Nam với một đặc trưng nổi bật là nhiều loại hình phương tiện cùng tham gia giao thông. Những điều chỉnh đó đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và điều chỉnh ý thức của người tham gia giao thông.
Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận một thực tế là những luật giao thông thành văn đó bên cạnh những điều chỉnh quan trọng cũng đã có những bất cập đi sau sự bùng nổ về quy mô mật độ giao thông, gián tiếp dẫn đến cái “hung hăng” như đã nói ở trên.
Thành thử cùng với việc điều chỉnh hợp lý về luật giao thông thậm chí từ những cái nhỏ nhất như điều chỉnh thời gian đếm ngược cùng việc nâng cấp hạ tầng giao thông, còn là việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt tại các đô thị lớn khi không chỉ là chiến dịch thông tin này, đợt ra quân kia là xong mà cần làm lâu dài.
Còn về việc học mấy nước phát triển bỏ đèn đếm ngược, xin thưa rằng trước hết hãy học ở người ta ý thức tự giác tuân thủ cao độ các điều luật khi tham gia giao thông trước khi có thể áp dụng được như vậy, hoặc là trước khi áp dụng các công nghệ khác hiện đại hơn.