Đã từ lâu, Trung tâm thương mại Big C Thăng Long địa chỉ số 222 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội được biết đến là một trong những siêu thị bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Trung tâm thương mại Big C Thăng Long gồm 2 tầng có tổng diện tích 12.000m2. Tầng 2 là siêu thị Big C, tầng 1 là khoảng 100 cửa hiệu bán các nhãn hàng nổi tiếng. Mỗi ngày Trung tâm thương mại Big C Thăng Long đón hàng nghìn lượt khách đến vui chơi, mua sắm.
Theo quy định của pháp luật, các cá nhân, tập thể kinh doanh hàng tiêu dùng nhập khẩu bắt buộc phải dán nhãn phụ tiếng Việt lên sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường. Theo đó, nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu.
Đối với các sản phẩm dệt may, hàng may mặc trước khi đưa ra thị trường bắt buộc phải được chứng nhận phù hợp quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may. Trong đó, dấu hợp quy CR do doanh nghiệp được chứng nhận hợp quy tự gắn lên sản phẩm hàng hóa của mình, đồng thời chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý sẽ kiểm tra dấu hợp quy trên sản phẩm, bao bì sản phẩm.
Những tưởng với tầm vóc, vị thế của một ông lớn trong ngành bán lẻ, Trung tâm thương mại Big C Thăng Long sẽ chỉ bán những sản phẩm với đầy đủ thông tin, nguồn gốc rõ ràng… Thế nhưng, tại đây đang tràn lan các sản phẩm vi phạm quy định về nhãn hàng hóa. Chính điều đó đã khiến nhiều người tiêu dùng khó có thể nhận biết về nguồn gốc, thông tin, cảnh báo… của sản phẩm và từ đó nghi ngờ về chất lượng sản phẩm.
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương ngày 3/9 cho thấy, tình trạng vi phạm về nhãn hàng hóa tại đây diễn ra với đủ các mặt hàng, sản phẩm, thậm chí với cả những thương hiệu lớn.
Ngay ở vị trí đầu tiên, cổng vào phía sau của Trung tâm thương mại Big C Thăng Long là cửa hàng Phụ kiện 39 đã diễn ra tình trạng này. Cửa hàng bán hàng trăm sản phẩm là các phụ kiện điện thoại, đồ chơi công nghệ, loa đài… nhưng hầu hết các sản phẩm ngoài thông tin về giá thì đều không có tem nhãn phụ tiếng Việt theo quy định. Nhân viên bán hàng tại đây khẳng định: “Sản phẩm nào cũng là hàng Trung Quốc hết”.
Ngay kế bên cửa hàng Phụ kiện 39 là một cửa hàng bán kính và nước hoa. Các sản phẩm kính được bày bán hầu như đều trắng thông tin, nhiều sản phẩm được khắc tên thương hiệu Prada nhưng lại có giá rẻ bất ngờ chỉ với 250 nghìn/sản phẩm và có dấu hiệu giả mạo thương hiệu. Các sản phẩm nước hoa được nhân viên bán hàng giới thiệu sản xuất tại Dubai nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt.
Tình trạng hàng không có tem nhãn phụ tiếng Việt, hàng dệt may thiếu chứng nhận hợp quy diễn ra tại nhiều gian hàng khác trong Trung tâm thương mại Big C Thăng Long. Phóng viên Báo Công Thương ghi lại một số hình ảnh:
Các sản phẩm tại cửa hàng Phụ kiện 39 được sản xuất tại Trung Quốc nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt. (Ảnh: Đăng Khoa) |
Kính không có thông tin về sản phẩm. (Ảnh Đăng Khoa) |
Cửa hàng chăn, ga, gối, đệm được nhân viên giới thiệu có nguồn gốc từ Hàn Quốc nhưng không có hợp quy và tem nhãn phụ sản phẩm. (Ảnh: Đăng Khoa) |
Cửa hàng bán nhiều sản phẩm dệt may thiếu chứng nhận hợp quy. (Ảnh: Đăng Khoa) |
Một cửa hàng tại tầng 2 Trung tâm thương mại Big C Thăng Long bán hàng không có tem nhãn. |
Đồ trang sức bằng vàng có nhãn hàng hóa nhưng không đầy đủ thông tin theo quy định. (Ảnh Đăng Khoa) |