4 cách đơn giản nhất giúp tăng cường sức đề kháng trong thời điểm hiện nay Giảm mỡ bụng hiệu quả nhờ uống trà xanh |
Những tác dụng của trà xanh
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: Lá và búp trà xanh được dùng với nhiều giá trị dược liệu. Lá trà xanh được thu hái vào mùa xuân, chỉ thu hái những lá trà và búp trà non. Sau đó rửa sạch đem sắc uống hoặc vò rồi sao khô để dùng dần.
"Lá trà xanh là một loại thực phẩm làm thức uống phổ biến trong nhiều nền văn hóa, mang lại một số lợi ích sức khỏe quan trọng, như bảo vệ sức khỏe của não, tim và xương của chúng ta cũng như làm đẹp da. Tuy nhiên, sử dụng không đúng cách có thể gây hại cho cơ thể. Vì vậy bạn nên dùng trà xanh vào thời điểm và liều lượng thích hợp", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Lá trà xanh có nhiều lợi ích cho sức khỏe |
Lá trà xanh chứa nhiều thành phần hóa học, bao gồm flavonoid, saponin triterpen, caffeine, tanine, quercetin, tinh dầu, acid ascorbic (vitamin C), riboflavin (vitamin B), carotene, acid malic, theophylline, xanthin, acid oxalic, kaempferol,… Các hợp chất này có những tác dụng tuyệt vời như cầm tiêu chảy, giảm nguy cơ ung thư, ngăn ngừa và bảo vệ tim mạch, chống lão hóa, duy trì hệ xương khớp khỏe mạnh, tăng cường trí nhớ, bảo vệ gan, kiểm soát huyết áp, ngăn ngừa biến chứng bệnh tiểu đường, giảm nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm, hỗ trợ điều trị hen suyễn và giảm nguy cơ sâu răng…
Trà xanh không có độc tính, do đó có thể dùng với liều lượng lớn (khoảng 200 g/ngày). Lá trà được dùng ở dạng nước sắc hoặc dùng ngoài như giã đắp, ngâm rửa hoặc nấu nước tắm). Theo Đông y, lá chè xanh có vị đắng, chát, tính mát có công dụng lợi tiểu, định thần, thanh nhiệt, giải khát, tiêu cơm, làm mát cơ thể.
Trà xanh tính hàn cho nên không dùng lạnh vì quá hàn sẽ sinh đờm. Do đó nên uống nóng. Có nơi trong và ngoài nước có tập quán uống chè phải nóng, có khi còn cho vào chè một lát gừng tươi.
Cải thiện tâm trạng: trà xanh chứa axit amin L-theanine, có khả năng tăng cường sự thư thái, giảm căng thẳng, và cải thiện tâm trạng. Thường xuyên uống trà xanh có thể giúp bạn duy trì sự cân bằng tinh thần và tận hưởng cuộc sống hơn.
Cải thiện chức năng não: Trà xanh chứa caffeine, một chất kích thích nhẹ, và L-theanine, một chất có tác dụng chống lo âu. Sự kết hợp giữa hai chất này có thể tăng cường chức năng não, cải thiện trí nhớ, tăng sự tập trung và khả năng giải quyết vấn đề. Điều này đồng nghĩa rằng thói quen uống trà xanh hàng ngày có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn và thậm chí là cải thiện khả năng học hỏi.
Bảo vệ tim mạch: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà xanh có khả năng giảm lượng cholesterol xấu trong máu. Nó có tác động tích cực lên hệ tim mạch, giúp làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch và tăng cường sức khỏe tim.
Giảm nguy cơ ung thư: Trà xanh chứa các chất chống oxy hóa mạnh, đặc biệt là catechin, giúp ngăn ngừa sự phá hủy tế bào do gốc tự do. Điều này có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiều căn bệnh, bao gồm cả bệnh ung thư.
Ngoài việc uống, trà xanh còn được sử dụng như một thành phần quan trọng trong kem đánh răng, bởi nó có khả năng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Điều này giúp phòng ngừa sâu răng và hôi miệng. Ngoài ra, các công nghệ làm đẹp hiện đại đã sử dụng trà xanh để giảm thâm quầng mắt.
Làm đẹp da: EGCG, một hoạt chất có nhiều trong trà xanh, giúp duy trì độ đàn hồi của da và ngăn ngừa lão hóa da. Thói quen uống trà xanh hàng ngày có thể giúp làm cho làn da trở nên rạng ngời và đẹp tự nhiên.
Tăng cường hệ miễn dịch: trà xanh có khả năng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, giúp bạn chống lại các bệnh nhiễm trùng và bệnh tật một cách hiệu quả hơn.
Uống nước trà xanh hàng ngày có thể mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe, từ sự thư giãn tâm lý và cải thiện chức năng não đến bảo vệ tim mạch và làm đẹp da. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với thức uống này.
Những người nào không nên uống trà xanh?
Không dùng cho người táo bón, uống thuốc tan máu đông. "Hoạt chất tannin trong chè xanh có tác dụng cầm tiêu chảy, vì vậy người bị táo bón nên hạn chế sử dụng. Không dùng lá chè cho người đang uống thuốc làm tan máu đông vì trong chè xanh có vitamin K - làm tăng khả năng đông máu", bác sĩ Vũ lý giải.
Trà xanh chứa caffeine và việc tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể gây hồi hộp, lo lắng, nhịp tim bất thường |
Người bị táo bón: Các chất trong trà xanh, như tanin, có khả năng làm lắng đọng protein, peptit, chất sắt, ion kim loại trong ruột, gây ra táo bón hoặc nặng thêm tình trạng táo bón.
Người nhạy cảm với caffeine: Trà xanh chứa caffeine và việc tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể gây hồi hộp, lo lắng, nhịp tim bất thường và run. Nếu một người không có khả năng dung nạp caffeine, ngay cả khi chỉ uống một ít trà xanh, cũng có thể gây ra các triệu chứng này. Đồng thời, tiêu thụ nhiều caffeine cũng có thể cản trở quá trình hấp thụ canxi, tác động xấu đến sức khỏe của xương và tăng nguy cơ loãng xương.
Phụ nữ mang thai và cho con bú: Trà xanh chứa caffeine, catechin và axit tannic, có thể gây nguy cơ khi mang thai. Nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú, uống trà xanh với lượng nhỏ, khoảng 2 cốc mỗi ngày là an toàn. Tuy nhiên, uống nhiều hơn 2 cốc trà xanh mỗi ngày có thể tăng nguy cơ sảy thai và tác động tiêu cực khác đối với thai kỳ và sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Trẻ em: Trẻ em cũng không nên uống trà xanh do tanin có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng như protein và chất béo trong cơ thể của trẻ. Caffeine cũng có thể gây kích thích quá mức ở trẻ nhỏ.
Người thiếu máu: Axit tannic trong trà xanh có thể gây thiếu sắt bằng cách cản trở sự hấp thụ sắt vào niêm mạc ruột, gây ra tình trạng thiếu máu. Người bị thiếu máu tốt nhất là không nên uống trà xanh.
Người bị thiếu canxi hoặc gẫy xương: Các alkaloit trong trà xanh có thể cản trở sự hấp thụ canxi và thúc đẩy bài tiết canxi trong nước tiểu. Điều này dẫn đến thiếu canxi và loãng xương, làm tăng nguy cơ gãy xương và khó hồi phục.
Người đang bị sốt: Hợp chất theophylline trong trà xanh có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, khiến cơn sốt trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời có tác dụng lợi tiểu làm giảm hiệu quả hạ sốt.
Khi nào sử dụng trà xanh để hiệu quả
Chè xanh chứa hàm lượng caffeine lớn, có thể gây chóng mặt, cồn cào, hoa mắt nếu dùng lúc bụng đói. Caffeine trong lá trà xanh có tác dụng hưng phấn thần kinh trung ương nhằm tăng mức độ tập trung và hoạt động của não bộ.
Do đó nếu uống trà xanh vào buổi tối có thể gây khó ngủ và mất ngủ. Nên dùng trà xanh vào sáng sớm để đầu óc tỉnh táo và tăng hiệu suất làm việc, học tập,…
Tránh dùng nước trà xanh ngay sau khi ăn vì chất tannin có thể làm giảm khả năng hấp thu sắt và chất dinh dưỡng trong thực phẩm.