Hà Tĩnh: Ngăn chặn hàng giả, hàng không nguồn gốc xuất xứ là ưu tiên hàng đầu Quản lý thị trường Hà Tĩnh liên tiếp bắt giữ hàng chục tấn đường cát nhập lậu |
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP.HCM: Ngày 28/7/2023 và 29/7/2023, Đội Quản lý thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp với Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và Chức vụ Công an Quận 10, TP.HCM đã tiến hành đồng loạt kiểm tra 03 điểm kinh doanh linh kiện, phụ kiện, thiết bị điện thoại di động thuộc phường 7, Quận 10, phát hiện 27.000 sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại hộ kinh doanh Lê Quốc Việt (số 791-793, đường 3/2, quận 10), Đoàn kiểm tra phát hiện 1.500 sản phẩm là ốp lưng điện thoại di động không hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hàng hóa.
Tại hộ kinh doanh Đại Hào (số 747-749, đường 3/2, quận 10), Đoàn kiểm tra phát hiện 8.350 sản phẩm là ốp lưng điện thoại di động các loại không hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hàng hóa.
Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện 27.000 linh kiện, phụ kiện, thiết bị điện thoại di động không xuất xứ |
Tại hộ kinh doanh Lê Thị Phương Anh (số 753-755-757-759, đường 3/2, quận 10), Đoàn kiểm tra phát hiện 17.830 sản phẩm gồm: 15.580 ốp lưng và 2.250 miếng dán kính cường lực không hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hàng hóa.
Tổng giá trị số hàng hóa trên hơn 274 triệu đồng. Ngay sau đó, Đội Quản lý thị trường số 10 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên, để xử lý theo quy định.
Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định, việc kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng từ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng. Mức cao nhất phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân. Ngoài mức xử phạt vi phạm hành chính đã nêu trên, sẽ áp dụng hình phạt bổ sung. Theo đó, sẽ bị tịch thu các sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn chứng từ. Các sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị tiêu hủy nếu gây hại cho sức khỏe con người và môi trường. Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp từ việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về Tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm và có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Tuy nhiên, để cấu thành tội buôn lậu phải đảm bảo đó là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới các mặt hàng nói trên của người phạm tội là hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để trao đổi trái với các quy định của pháp luật về xuất-nhập khẩu hàng hóa qua biên giới. |