Đường Thùy Vân phải là sản phẩm du lịch đặc sắc của TP. Vũng Tàu TP. Vũng Tàu: Hình mẫu trong công tác chỉnh trang đô thị UPC Green: Góp sức vẽ nên nét xanh - sạch - đẹp cho TP. Vũng Tàu |
Ô nhiễm do rác thải nhựa hay còn gọi là ô nhiễm trắng đang là vấn đề môi trường toàn cầu. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trái đất.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, một trong những giải pháp mà tỉnh này đang triển khai là phân loại rác thải tại nguồn, tiến đến mục tiêu thực hiện toàn dân vào năm 2025. Dù mô hình này mới thí điểm tại một số địa phương, nhưng bước đầu đã dần thay đổi được thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, nilong của người dân.
Mô hình phân loại rác thải tại trường học ở TP. Vũng Tàu - (Ảnh: Quang Vũ) |
Triển khai phân loại rác từ nguồn từ đầu năm 2022 đến nay, khoảng 1000 hộ dân thôn 1, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu đã rất thành thục trong phân loại rác. Hai năm qua, 9 tấn rác thải đã được thu gom, đổi lấy quà tặng, hơn 8 tấn rác hữu cơ được người dân sử dụng làm phân bón.
Bà Nguyễn Thị Tiết Kiệm, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu cho biết: Việc phân loại rác từ nguồn rất tốt, hạn chế phải đốt rác, tránh được bệnh tật cho người dân từ khói độc hại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nếu gia đình nào cũng hưởng ứng như vậy thì rất sạch đẹp cho môi trường.
Phường 7 là nơi được TP. Vũng Tàu thí điểm mô hình phân loại rác tại công sở và 9 khu phố. Tại mỗi khu phố, Ban điều hành bố trí một lồng sắt để chứa chai nhựa, giấy và các loại rác có thể tái chế từ người dân. Ngoài tạo thói quen cho người dân phân loại rác tại nguồn mô hình này còn giúp khu phố có thêm nguồn quỹ tặng quà cho người nghèo, hộ khó khăn.
Ông Trần Phương Minh, Phó Chủ tịch UBND phường 7, TP. Vũng Tàu cho biết, phân loại rác thải từ nguồn thì sẽ phân ra những loại chất thải mà có thể tái chế được, để sử dụng lại nhằm giảm thiểu nguồn đó đi ra môi trường. Rác thải hữu cơ có thể sử dụng vào mục đích trồng trọt. Những nguồn rác không thể tái sử dụng thì mới thực hiện thu gom và xử lý. Đó là một trong những mục tiêu giảm rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường sống.
Trên hầu hết các tuyến phố ở TP. Vũng Tàu đều được đặt những điểm "xin rác" - (Ảnh: Nguyễn Ngọc) |
Thông qua những mô hình phân loại rác được triển khai trên địa bàn, người dân TP. Vũng Tàu cũng đang dần thay đổi thói quen hướng đến giảm sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilong trong sinh hoạt hàng ngày.
Chị Trần Thị Thu, khu phố 9, phường 7, TP. Vũng Tàu chia sẻ, chị và những người trong gia đình đã dần thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng túi nilon, chủ động phân loại rác trong quá trình sinh hoạt.
“Cá nhân tôi khi đi chợ, túi nilong nhiều thì tôi sẽ hạn chế lại bằng cách mang theo giỏ nhựa. Đối với những bịch nilon mình mua về mà có thể sử dụng được thì mình sử dụng lại và hạn chế tối đa việc thải những bịch nilon đó ra ngoài môi trường”, chị Thu cho biết thêm.
Trả lời phóng viên Báo Công Thương, ông Vũ Hồng Thuấn – Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, qua quá trình triển khai thí điểm, đa số người dân, học sinh tại một số trường học tham gia hưởng ứng tích cực, nhận thức của những người dân được nâng lên rõ rệt khi được tiếp cận kiến thức tuyên truyền về phân loại rác.
Thành phố đã xây dựng kế hoạch chia làm 3 giai đoạn cụ thể để triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn từ nguồn.
Từ 15/3 đến 30/10, thành phố tập trung triển khai tuyên truyền, phân loại rác tại trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị TP. Vũng Tàu, các trường học, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố. Trong đó, UBND phường 7, UBND phường Thắng Tam được giao triển khai thực hiện Mô hình điểm về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để làm cơ sở đánh giá kết quả và triển khai trên toàn địa bàn trong giai đoạn tiếp theo. Đầu tháng 11/2024, thành phố sẽ tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện việc phân loại chất thải rắn từ nguồn.
“Bên cạnh việc tuyên truyền trực tiếp đến các cán bộ, người dân, thành phố đã chủ động thành lập nhóm Zalo để hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện. Nhóm với sự tham gia của 112 trường học; 5 trung tâm thương mại, siêu thị; 96 cửa hàng tiện ích và các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị thành phố”, ông Vũ Hồng Thuấn chia sẻ.
Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cùng cán bộ thành phố vận động người dân kinh doanh, buôn bán không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè - (Ảnh: Quang Vũ) |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, qua quá trình triển khai mô hình mẫu, đến nay 2 địa phương thực hiện thí điểm đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tại phường 7, đã thí điểm và tổ chức thu gom rác thải có khả năng tái chế tại 9 địa điểm thuộc hệ thống chính trị phường (trụ sở UBND phường, Công an phường, BCHQS phường, trụ sở các khu phố, trường học). Trung bình mỗi tháng phường 7 thu được khoảng 3,1 tạ rác thải có khả năng tái chế. Còn tại phường Thắng Tam đã triển khai tại các trụ sở các cơ quan thuộc hệ thống chính trị phường, Chung cư Sài gòn Res.
“Số rác thải có khả năng tái chế, các phường sẽ bán, lấy tiền đó sử dụng cho việc mua Bảo hiểm y tế, thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trên địa bàn khu dân cư”, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, để tiếp tục giữ vững Danh hiệu thành phố du lịch sạch Asean thì kế hoạch phân loại chất thải rắn từ nguồn và công tác chỉnh trang đô thị thành phố đang thực hiện giữ vai trò quan trọng, là chìa khóa để thắng lợi các mục tiêu, là nhiệm vụ trọng tâm về môi trường trong năm 2024 và các năm tiếp theo của thành phố.
Hiện trên địa bàn TP. Vũng Tàu phát sinh khoảng 410 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, nhưng chỉ có khoảng 15% được tái chế hoặc tái sử dụng, số còn lại được chôn lấp hoặc đốt, trong khi rác thải nhựa có thời gian phân hủy lên đến hàng trăm thậm chí hàng ngàn năm.
Trong đề án phân loại, thu gom rác thải rắn tại nguồn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải nhựa xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30% và phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu này góp phần giảm tình trạng ô nhiễm, vấn nạn toàn cầu quan tâm hiện nay.