Để lập lại trật tự thị trường, ngày 22/4/2021, Cục QLTT và Công an TP. Hồ Chí Minh ký kết Quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Lãnh đạo hai đơn vị này đặt mục tiêu cùng lập những phương án, chuyên án, trong đó tập trung chia sẻ thông tin, điều tra những đường dây, ổ nhóm buôn lậu, làm hàng giả, chứa trữ và phân phối… có tính chất chuyên nghiệp để ngăn chặn từ gốc.
Lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh bắt giữ vụ kinh doanh sản phẩm hỗ trợ tình dục trái phép trên địa bàn |
Thực tế trước đây, kế hoạch hợp tác để phòng chống hàng lậu, hàng giả giữa lực lượng Công an và QLTT thành phố đều đã được thực thi thường xuyên, tuy nhiên kết quả đạt được là chưa cao. Khi Quy chế phối hợp được ký kết, sự phân công nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị và cá nhân từng đơn vị, phương cách đánh án cũng được thay đổi, nhờ vậy hiệu qủa bước đầu đã được thể hiện rõ ràng.
Cụ thể, ngày 20/5/2021, Đội QLTT 3 - Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Đội 7 - Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP. Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện xe tải biển kiểm soát 51D 028.55 đi từ sân bay Tân Sơn Nhất và dừng lại trước nhà số 65A, đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận để giao hàng đưa từ các tỉnh phía Bắc vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Kiểm tra phương tiện và địa điểm kinh doanh này, lực lượng kiểm tra phát hiện hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm, trong đó có nhiều thương hiệu cao cấp của nước ngoài. Bước đầu, đại diện cơ sở kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ mua bán, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Ngày 12/5/2021, Đội QLTT số 12 - Cục QLTT và Công an TP. Hồ Chí Minh kiểm tra cơ sở chứa trữ hàng hóa tại địa chỉ 14 - C8, khu phố 3, phường Thạnh Lộc, quận 12, lực lượng kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ 33.481 sản phẩm hỗ trợ tình dục các loại do Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Mỹ sản xuất kinh doanh trái phép. Các loại hàng hóa bị tạm giữ không có xuất xứ, nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam và chủ hàng cũng không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trước đó, ngày 11/5/2021, Công an phối hợp với QLTT TP. Hồ Chí Minh kiểm tra Công ty TNHH Hana Miss (đường số 14, quận Gò Vấp), phát hiện doanh nghiệp này kinh doanh nhiều loại hàng hóa trái phép. Tại hiện trường, lực lượng kiểm tra đã tạm giữ 90 thùng mỹ phẩm các loại và 20 hộp chất nhân sâm Hana Miss không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Giám đốc doanh nghiệp này thừa nhận công ty của mình kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt - Cục phó Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh, mặc dù tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng hoạt động buôn lậu, chứa trữ, kinh doanh hàng hóa trái phép vẫn tiếp tục diễn ra trên địa bàn thành phố. Các mặt hàng như thuốc lá, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đường cát, đồng hồ, mắt kính, điện thoại di động… vẫn tuồn vào địa bàn thành phố. Gần đây, một số doanh nghiệp thuê mặt bằng của các công ty lớn để làm nơi cất giấu hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại, hoạt động buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng gia tăng trên không gian thương mại điện tử với nhiều hình thức gian lận tinh vi.
Nhằm triệt xóa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết, Cục QLTT và Công an TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức phân công công tác rõ ràng cho từng đơn vị, qua đó lực lượng của hai bên đã kết hợp lập từng chuyên án, chia sẻ thông tin và thực hiện hiện quyết liệt việc dự báo, điều tra những điểm nóng, luồng tuyến, địa điểm chứa trữ; tập hợp nguồn tin về đường dây, ổ nhóm buôn lậu, làm hàng giả. Ông Đạt cho rằng, quy chế phối hợp giữa lực lượng QLTT và Công an đã tạo thêm sức mạnh và hành động mang tính chuyên nghiệp hơn trong khâu truy vết về nguồn gốc, nơi chứa trữ, phương thức trao đổi và vận chuyển hàng hóa của các tổ chức, cá nhân tội phạm về kinh tế trên địa bàn.