Ông Nguyễn Thế Anh - Phó chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia - cho biết, từ nay đến cuối năm, tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại sẽ rất phức tạp. Đặc biệt là các điểm nóng ở khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng biển; tập trung chứa trữ hàng lậu số lớn tại các kho hàng ở các thành phố, nhất là TP. Hồ Chí Minh. Để đẩy lùi hàng nhập lậu, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với Ban chỉ đạo 389 các địa phương cùng với các cơ quan chức năng nhằm triển khai các kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Tại TP. Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra nhiều địa điểm kho hàng nghi chứa trữ hàng nhập lậu tại địa bàn, trên tinh thần kiểm tra kỹ và thực hiện quyết liệt.
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, đơn vị đã phối hợp với Ban chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh kiểm tra 18 kho tại địa chỉ 621 Phạm Văn Chí, quận 6 và phát hiện hàng trăm nghìn mặt hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc chứa trữ tại đây. Đến nay, việc xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ hàng, hàng hoá vi phạm đã cơ bản xử lý xong.
Tuy nhiên, qua công tác nắm tình hình của các cơ quan chức năng, kho hàng tại 621 Phạm Văn Chí, quận 6 vẫn hoạt động bình thường, các phương tiện vận chuyển hàng hoá nghi là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn diễn ra sôi động. Trong thời gian tới, đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu các lực lượng chức năng của TP. Hồ Chí Minh tăng cường công tác kiểm tra đối với hệ thống kho nêu trên và các kho hàng có dấu hiệu chứa trữ hàng hóa nhập lậu trên địa bàn. Mặt khác, cũng cần rà soát và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân cho thuê kho trái phép có dấu hiệu vi phạm pháp luật đến nay vẫn chưa được xử lý tại kho hàng số 621 Phạm Văn Chí, quận 6 đã được phát hiện trước đây.
Tại buổi làm việc, đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu lực lượng 389 của TP. Hồ Chí Minh thành lập tổ công tác làm việc với một số doanh nghiệp mua bán dung môi với số lượng lớn hàng ngàn tỷ đồng/năm, hoạt động có dấu hiệu vi phạm vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả, lập kế hoạch kiểm tra thực tế kho chứa của các doanh nghiệp này tại một số địa phương để làm rõ vi phạm và xử lý nghiêm.
Hàng điện tử cũ, mặt hàng cấm nhập khẩu bị các cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh phát hiện nhập lậu |
Trong những tháng cao điểm cuối năm 2019, UBND TP.Hồ Chí Minh yêu cầu lực lượng 389, các sở ngành, UBND các quận huyện tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của chính quyền thành phố về kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh được yêu cầu đề xuất với UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu, pha chế dung môi trên địa bàn. Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cần có giải pháp để xử lý hàng hóa tạm nhập tái xuất tại Việt Nam, sau đó chuyển hàng hóa sang Campuchia. Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại trong lĩnh vực này. Đối với UBND các quận huyện, cần tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện các hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng và gian lận thương mại. Nhất là các khu vực như chợ truyền thống, các cửa hàng, cửa hiệu, các điểm dịch vụ ăn uống, trong đó lưu ý mặt hàng mũ bảo hiểm bày bán trên đường, giày dép, quần áo, đồ chơi và đồ dùng dành cho trẻ em.
Theo kế hoạch được phân công này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - ông Trần Vĩnh Tuyến - yêu cầu lực lượng 389 và các sở ngành của thành phố thực hiện với tinh thần quyết liệt, tăng cường công tác điều tra, xử lý, tập trung vào các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, cương quyết không cho phép để tồn tại “vùng cấm” trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn.