Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến 39 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có số ca nhiễm đứng thứ 4 cả nước và dự báo vẫn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm rải rác, các chùm ca bệnh trong khu vực cách ly và cộng đồng.
Tuy nhiên, bằng việc quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia công tác chống dịch, kịp thời áp dụng các biện pháp nhanh, mạnh, thành phố (TP) đã khống chế tốc độ lây lan của dịch bệnh. Cho đến thời điểm hiện nay cơ bản đã được khoanh vùng, khống chế ban đầu được ổ dịch.
TP. Hồ Chí Minh tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa sản xuất vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch |
Đặc biệt, nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch cũng như nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 tại các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (KCNC), TP. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, nhằm đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại tất cả các KCX, KCN, KCNC trên địa bàn TP. Những công ty có đông công nhân sẽ được ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm trước, để đảm bảo ngăn ngừa hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh.
Theo đó, TP đã tập trung xét nghiệm mở rộng tại các cơ sở sản xuất, lao động trong KCX, KCN, KCNC tại quận 7, quận 12, TP. Thủ Đức, huyện Củ Chi... với số lượng gần 53.300 mẫu, đến nay chưa phát hiện người mắc dịch bệnh Covid-19. Trong chuỗi lây nhiễm liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng phát hiện 3 ca bệnh mắc Covid-19 là người làm việc trong các KCN, tuy nhiên nhờ phát hiện sớm, xử lý dập dịch triệt để nên đến nay chưa ghi nhận có lây lan dịch bệnh trong khu vực này.
Nhằm đảm bảo duy trì mục tiêu kép, không được phép để đứt gãy các chuỗi sản xuất theo tinh thần chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh tại cuộc họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn thành phố, diễn ra ngày 7/6, đã yêu cầu các địa phương, Ban Quản lý các KCX - KCN, KCNC khẩn trương tham mưu UBND TP kế hoạch tổ chức cho một số DN vừa cách ly, vừa sản xuất nhằm đảm bảo an toàn cho chuỗi sản xuất và bảo vệ sức khỏe người lao động. Đồng thời khuyến khích các DN điều chỉnh giờ làm việc để hạn chế tập trung đông người. Khi đưa đón người lao động và bố trí ăn trưa phải cố định vị trí để sẵn sàng truy vết khi có yêu cầu.
Doanh nghiệp trong các KCX- KCN tăng cường kiểm soát chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch cho người lao động theo quy định của ngành y tế, nhằm tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh |
Ngoài ra, các địa phương, Ban quản lý các KCX, KCN, KCNC tiếp tục siết chặt việc giãn cách tại các nhà máy, cơ sở sản xuất và các biện pháp phòng dịch theo Bộ tiêu chí an toàn tại DN do TP. Hồ Chí Minh ban hành và 100% nhà máy, cơ sở sản xuất phải được hậu kiểm để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Chuẩn bị sẵn phương án tổ chức cách ly tập trung bên trong KCN, KCX nếu xảy ra tình huống có ca dương, để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, lao động (có thể cách ly tập trung ở địa điểm khác và tổ chức đưa đón bằng phương tiện riêng đến nơi làm việc)…
Trước đó, nhằm nâng cao mức cảnh giác, đảm bảo an toàn trong sản xuất và ổn định phát triển kinh tế - xã hội, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Văn bản khẩn số 1558, yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm soát, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các KCX, KCN, KCNC và DN hoạt động trên địa bàn TP.
Hiện Ban quản lý KCX và KCN, KCNC TP. Hồ Chí Minh đang tập trung thực hiện nghiêm túc các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch của các Bộ ngành, UBND TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tập trung thực hiện tốt Công điện hỏa tốc số 680 của Thủ tướng Chính Phủ về yêu cầu bảo đảm an toàn Covid-19 trong các KCN, với quyết tâm không để dịch bệnh Covid-19 lây lan trong KCN và cộng đồng, nhằm tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, các ngành, lĩnh vực kinh tế của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chuyển biến tích cực và tăng trưởng. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020 và kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 19 tỷ 635 triệu USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. |
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.