Khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn 'Xuyên ngày đêm, lễ, tết; xuyên COVID-19' hoàn thành cầu Thủ Thiêm 2 – Biểu tượng kiến trúc mới trên sông Sài Gòn |
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có chỉ đạo, giao cho các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất thực hiện phương án phá bỏ bức tường ngăn cách khu dân cư Vinhomes và khu dân cư Saigon Pearl để kết nối giao thông đường ven sông Sài Gòn được đồng bộ, an toàn trước ngày 31/12/2023.
Theo đó, những năm qua, tuyến đường Trần Trọng Kim (ven sông Sài Gòn) trong khu dân cư Vinhomes Central Park có chiều dài khoảng 1km. Đoạn cuối của tuyến đường này đang bị ngăn cách bởi một bức tường với dự án Saigon Pearl. Phía bên kia bức tường cũng là đường ven sông và nối thẳng ra khu vực chân cầu Thủ Thiêm 1, hướng về trung tâm.
Vì thế, các phương tiện giao thông đi đến bức tường cuối đường Trần Trọng Kim (khu Vinhomes) bắt buộc phải quay đầu ra hướng đường Nguyễn Hữu Cảnh (khoảng 1km) để qua Saigon Pearl, điều này khiến giao thông ở khu vực Nguyễn Hữu Cảnh thường xuyên trong tình trạng ùn tắc.
Ở bức tường ngăn này, đơn vị quản lý chỉ mở một cánh cửa nhỏ cho người đi bộ, cánh cửa này cũng chỉ được mở theo khung giờ cố định để phụ huynh dẫn học sinh qua lại trường quốc tế tại dự án Saigon Pearl.
Vị trí bức tường ngăn khu dân cư Vinhomes Central Park và khu dân cư Saigon Pearl. |
Để đảm bảo tuyến đường được thông suốt, tạo thuận lợi cho người dân di chuyển, UBND TP. Hồ Chí Minh nhiều lần có chủ trương tháo dỡ bức tường này. Tuy nhiên, Tập đoàn SSG (chủ đầu tư dự án Saigon Pearl) không đồng ý.
Tập đoàn SSG cho rằng, cư dân của dự án Saigon Pearl không ủng hộ việc tháo bức tường tạo điều kiện cho người đi bộ, xe đạp lưu thông qua lại với mục đích kết nối giữa hai khu dân cư. Vì điều này không cần thiết mà chỉ làm tăng tình trạng mất an toàn giao thông, an ninh và quá tải cho hạ tầng kỹ thuật của dự án.
Ngoài ra, vào giờ cao điểm, tại các lối ra vào chính của dự án Saigon Pearl kết nối với đường Nguyễn Hữu Cảnh thường xuyên xảy ra ách tắc do xung đột giao thông cũng như quá tải. Vì thế, Tập đoàn SSG đánh giá việc mở tuyến đường ven sông sẽ càng làm tình hình tắc nghẽn giao thông tại các lối vào dự án Saigon Pearl cũng như đường ven sông D4 nghiêm trọng hơn. Việc dỡ bức tường sẽ gia tăng áp lực giao thông cho hai dự án khi chưa mở đồng bộ và thông suốt đường ven sông từ cầu Ba Son đến cầu Kinh Thanh Đa. Vì thế, nhiều năm qua việc phá bỏ bức tường trên vẫn chưa được thực hiện.
Để giải quyết dứt điểm đến vấn đề này, UBND Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND quận Bình Thạnh làm việc cụ thể với các chủ đầu tư dự án dọc theo đường ven sông Sài Gòn để có kế hoạch thực hiện công tác bàn giao, tiếp nhận và phân cấp quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thuộc dự án theo quy định; đồng thời tổ chức tiếp xúc, thông tin rộng rãi để người dân được biết và đồng thuận.
Trường hợp sau khi phân cấp quản lý, nếu các chủ đầu tư dự án có đề nghị được giao tổ chức thực hiện duy tu, bảo trì thường xuyên kết cấu hạ tầng dự án từ nguồn kinh phí do doanh nghiệp tự cân đối, tiết kiệm được ngân sách thì ủng hộ chủ trương và giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Trên cơ sở hệ thống kết cấu hạ tầng được bàn giao quản lý, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công an Thành phố, UBND quận Bình Thạnh nghiên cứu, đề xuất thực hiện phương án kết nối giao thông đồng bộ, an toàn; báo cáo UBND TP trước ngày 31/12/2023.
Bức tường được phá bỏ sẽ kết nối thông suốt đường ven sông Sài Gòn tại khu vực này. |
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường A9 (khu phức hợp Tân cảng Sài Gòn) và đường ven sông Sài Gòn (đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè); báo cáo, tham mưu UBND Thành phố triển khai thực hiện theo quy hoạch. Sở Giao thông Vận tải cũng được giao phối hợp với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông nghiên cứu, đề xuất phương án thực hiện đầu tư đồng bộ đường ven sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Ba Son - cầu Thủ Thiêm - cầu Sài Gòn - cầu Bình Triệu.
Đồng thời, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND quận Bình Thạnh khẩn trương rà soát quy hoạch chung xây dựng thành phố, quy hoạch khu Trung tâm hiện hữu (930ha), quy hoạch phát triển giao thông vận tải và các quy hoạch chi tiết có liên quan để tham mưu UBND Thành phố đồng bộ quy hoạch lộ giới đường ven sông Sài Gòn và cập nhật vào điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố.