Sở An toàn thực phẩm – kỳ vọng tạo đột phá trong khâu kiểm soát thực phẩm TP. Hồ Chí Minh: Thành lập Sở An toàn thực phẩm đầu tiên trong cả nước |
Sáng 30/12, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh Lâm Hùng Tấn đã công bố quyết định của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh về bổ nhiệm giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Thời hạn giữ chức vụ cho đến khi có quyết định nghỉ hưu theo quy định.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan sinh ngày 17/5/1970 tại Khánh Hòa. Bà từng là giảng viên Khoa Dược, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh. Bà đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh từ ngày đầu Thành phố thí điểm (năm 2017 đến nay). Đồng thời bà cũng là Chủ tịch Hội Dược học, Phó Chủ tịch Hội Đông y Thành phố và đại biểu Quốc hội khóa 13, 14, 15.
Trao Quyết định bổ nhiệm cho bà Phạm Khánh Phong Lan và ông Lê Minh Hải. Ảnh: VGP/Vũ Phong |
Ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, được bổ nhiệm giữ chức vụ phó giám đốc Sở An toàn thực phẩm thành phố. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.
Phát biểu định hướng hoạt động của Sở An toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố đề nghị lãnh đạo Sở khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ chức và triển khai ngay các công việc bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ông Đức cũng yêu cầu Sở liên kết chặt chẽ với các tỉnh, gắn TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh trong phát triển các vùng sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn…
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cam kết tiếp tục tập trung cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, để người dân Thành phố được sử dụng thực phẩm một cách an toàn và an tâm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tiếp nhận nhiệm vụ mới. Ảnh: VGP/Vũ Phong |
"Với tư cách là một sở thì chúng tôi sẽ có cơ sở pháp lý vững vàng hơn, sẽ được Thành ủy, UBND Thành phố và các bộ chủ quản quan tâm hơn, nhưng đồng thời cộng đồng cũng có đòi hỏi cao hơn. Trong năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chống thực phẩm bẩn và xây thực phẩm sạch, không để xảy ra khoảng trống trong việc chuyển giao bởi người dân Thành phố không thể dừng tiêu thụ thực phẩm một ngày nào", tân Giám đốc Sở chia sẻ.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng thông tin, thời gian tới Sở có kế hoạch tuyên truyền về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức độ cao hơn, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh liên kết với Sở NN&PTNT Thành phố cũng như các tỉnh khác để bảo đảm thực phẩm sạch từ nguồn, cùng các doanh nghiệp phát triển bền vững thực phẩm sạch tìm được đầu ra, thị trường ổn định tại TP. Hồ Chí Minh.
Sở cũng sẽ đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và phân phối thực phẩm.
Các quyết định có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh Lâm Hùng Tấn đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chấm dứt thí điểm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.
Đồng thời, công bố Nghị quyết của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh hoạt động từ ngày 01/01/2024.
Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh của Quốc hội đã cho phép Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh thành lập Sở An toàn thực phẩm TP là cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố.
Sở An toàn thực phẩm sẽ là đầu mối thống nhất, tập trung tổng hợp tham mưu và chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trao đổi, hợp tác từ phía đối tác nước ngoài, tham mưu UBND Thành phố giải pháp quản lý an toàn thực phẩm đem lại hiệu quả cao, đáp ứng thực tiễn và nhu cầu hội nhập của Thành phố.
Đây cũng là đầu mối thanh tra, kiểm tra các cơ sở của người dân với tần suất theo quy định, tránh chồng chéo và tình trạng mỗi năm một cơ sở, doanh nghiệp phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm…