TP. Hồ Chí Minh: Quyết liệt truy quét hàng lậu, hàng giả dịp cuối năm
Để ổn định thị thường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, gần đây, các lực lượng chức năng của TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường tổng kiểm tra các kho hàng, trung tâm mua sắm lớn và phát hiện số lượng lớn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái thương hiệu.
Ngày 6/11, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra 29 điểm kinh doanh hàng hóa tại chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Sài Gòn Square (quận 1). Tại 10 điểm kinh doanh ở chợ Bến Thành, lực lượng kiểm tra đã tạm giữ hơn 800 đơn vị sản phẩm gồm đồng hồ, ví, túi xách giả mạo nhãn hiệu của hãng Rolex, Dior, Gucci, LV và 49 túi xách là hàng nhập lậu. Ở 19 điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, hơn 1.000 túi xách, ví, đồng hồ, giày dép, khăn choàng, thắt lưng… giả mạo nhãn hiệu Rolex, HuBolot, Gucci, Chanel, Hermes và hơn 500 chiếc đồng hồ, hàng nhập lậu đã bị tạm giữ.
Đại diện Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết, đợt kiểm tra này nằm trong chiến dịch kiểm tra chuyên đề của ngành QLTT nhằm hạn chế tình trạng kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra phổ biến ở các thành phố lớn, trong đó có TP. Hồ Chí MInh.
Lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh kiểm tra một cơ sở doanh kinh doanh đồng hồ tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square trong ngày 6/11 |
Tại TP. Hồ Chí Minh, hàng nhập lậu, hàng giả xuất xứ, gian lận thương mại không chỉ diễn ra trong khâu sản xuất, buôn bán mà còn gia tăng trong hoạt động xuất nhập khẩu với mức độ vi phạm ngày càng gia tăng. Trong 10 tháng đầu năm 2019, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 1.262 vụ vi phạm pháp luật, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 1.513 tỷ đồng, vi phạm chủ yếu là buôn lậu và gian lận thương mại. Kết quả kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan thành phố cũng đã truy thu 149,4 tỷ đồng, sau 10 tháng đầu năm 2019.
Sau khi tăng cường công tác kiểm tra về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện nhiều vụ hàng hóa xuất nhập khẩu gian lận xuất xứ với quy mô lớn. Ngày 7/11, tại cảng Cát Lái, lực lượng hải quan đã ngăn chặn kịp thời 4 container chứa nhôm phế liệu xuất đi Hàn Quốc trái phép. Đại diện Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, lô hàng nhôm phế liệu này do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Lâm An (quận 1) làm thủ tục xuất khẩu. Doanh nghiệp này khai hàng hóa xuất khẩu là ống thép tròn mạ kẽm, thuế suất 0% nhưng hải quan phát hiện lô hàng là vỏ nhôm phế liệu, mức thuế 22%.
Ngày 2/11, cũng tại cảng Cát Lái, Công ty TNHH Cao su Talalay Viet Nam bị phát hiện nhập khẩu 317 kiện hàng (7,2 tấn), trị giá gần 600 triệu đồng gồm chăn, nệm, gối có xuất xứ Trung Quốc nhưng giả mạo xuất xứ Việt Nam. Trong khai báo hải quan, doanh nghiệp xuất trình cả C/O form E của Trung Quốc, thuế suất ưu đãi 0% nhưng thực tế lô hàng này phải chịu mức thuế từ 20-25%.
Các loại đồng hồ giả nhãn hiệu bị phát hiện tại chợ Bến Thành ngày 6/11 |
Nhằm đẩy lùi, triệt phá những tụ điểm kinh doanh, đường dây, ổ nhóm buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu lực lượng 389 của thành phố cần có phương án cụ thể, tập trung vào những mặt hàng trọng điểm để điều tra, xử lý tận gốc. Ông Tuyến chỉ đạo, các lực lượng chuyên ngành như QLTT, Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cùng với các sở ngành, chính quyền quận huyện trên địa bàn thành phố cần phải thực thi chỉ đạo của chính quyền thành phố bằng tinh thần quyết liệt, nghiêm minh và không có “vùng cấm” trong quá trình kiểm tra, xử lý.
Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra nhiều kho hàng nghi chứa hàng nhập lậu, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm đối với các vi phạm.
Tại buổi làm việc của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia với các cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh mới đây, tâm điểm tổ chức kiểm tra của lực lượng chức năng là chợ đầu mối, các trung tâm mua sắm lớn, các kho hàng, bến bãi, đường tuyến, điểm nóng hàng lậu, hàng giả lưu thông số lượng lớn. Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị triển khai xây dựng kế hoạch trọng tâm về công tác kiểm soát, chống buôn lậu, quản lý rủi ro và kiểm tra chặt sau thông quan; tăng cường tuyên truyền đến các doanh nghiệp về xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu ngay tại nơi sản xuất để sớm phát hiện gian lận xuất xứ ngay nguồn.