Ngày 26/ 11, Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả Quỹ hỗ trợ nông dân TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2020”, kết qủa của đề án đã giúp nhiều hộ dân thay đổi được cuộc cơ bản.
Đại diện Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã có 38.804 lượt hộ vay với 859 tỷ đồng trong 10 năm thực đề án. Nguồn vốn giải ngân đã giúp các hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình, các hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, nguồn vốn này đã giúp cho nhiều hộ nông dân hạn chế, rời xa nguồn tín dụng đen với tính chất vốn rất khắc nghiệt đối với người đi vay.
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ, nông dân trên đia bàn Thành phố trong 10 năm qua cũng đã tự bỏ 1.718 tỷ đồng làm vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế hộ gia đình, áp dụng công nghệ mới, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong canh tác, giúp tăng thu nhập. Qua đó giúp 97.010 lao động có công ăn việc làm ổn định và hỗ trợ tích cực cho kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Trồng hoa là một trong những thế mạnh giúp nông dân TP. Hồ Chí Minh ngày càng khấm khá |
Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, dự kiến đến cuối năm 2020, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố sẽ phấn đấu 56/56 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4/5 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2021- 2025, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, các xã còn lại (đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016 - 2020) sẽ đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021- 2025 và 5/5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 huyện được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh có 50/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 3 huyện đã được công nhận nông thôn mới gồm Hóc Môn, Nhà Bè và Củ Chi; riêng huyện Cần Giờ vào cuối năm nay sẽ được công nhận là huyện nông thôn mới.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đặt mục tiêu 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn nâng cao; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp bình quân đạt 6%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt từ 900 - 1.000 triệu đồng/ha/năm.
Tại huyện Hóc Môn, ba xã gồm Nhị Bình, Bà Điểm và Tân Xuân vừa được UBND TP. Hồ Chí Minh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020. Hiện tại, có 4/10 xã của huyện Hóc Môn được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn nâng cao và đến cuối năm nay 10/10 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn nâng cao.
Đại diện Huyện Hóc Môn cho hay, mức thu nhập bình quân của người dân Hóc Môn hiện đã đạt 63,7 triệu đồng, tăng 31% so với năm 2015. Mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp do đô thị hóa đã giảm dần nhưng qua 10 năng xây dựng nông thôn mới, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong canh tác nên doanh thu qua không ngừng tăng cao qua từng năm.
Với hơn 18 ha đất và gần 30 thành viên tham gia, hợp tác xã Ngã Ba Giồng, xã Xuân Thới Thượng hiện là tổ hợp sản xuất kiểu mẫu về nông nghiệp tại Hóc Môn. Mỗi ngày hợp tác xã Ngã Ba Giồng cung cấp cho các siêu thị lớn như Co.op Mart, Vinmart, các trường học hơn 3 tấn rau củ chất lượng cao các loại. “Hiện nay xã viên ở hợp tác xã Ngã Ba Giồng sản xuất rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm sản xuất tới đâu bán hết tới đó, nhờ vậy giúp cho mỗi xã viên có thu nhập ổn định mỗi tháng bình quân 6 triệu đồng”, ông Huỳnh Văn Bảy, một xã viên của hợp tác xã Ngã Ba Giồng chia sẻ.
Canh tác rau xanh bằng kỹ thuật cao ở TP. Hồ Chí Minh |
Tại TP. Hồ Chí Minh, diện tích trồng rau hiện đạt 2.359,6 ha, năng suất tăng 5,6%, sản lượng đạt 82.602 tấn. Tổng đàn trâu có 4.930 con; tổng đàn bò 129.060 con, đàn bò sữa chiếm phần lớn 67,9% (87.610 con) và đang cung cấp sản lượng sữa chất lượng cao ổn định cho thị trường. Riêng đàn heo có 176.140 con, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước và 425. 6 000 con gia cầm.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, sản phẩm nông nghiệp sản xuất trên địa bàn chỉ đủ cung cấp 20 - 35% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thành phố. Tuy nhiên nguồn hàng hóa đã sản xuất đã giúp cho hàng vạn hộ dân nông thôn có nguồn thu nhập ổn định, trong đó có không ít gia đình cuộc sống ngày càng khấm khá nhờ vào nông nghiệp.