Trạm BOT Phú Hữu thu phí từ quý III/2024
Năm 2012, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (trước đây là Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1) được chấp thuận và bắt đầu thi công dự án đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, trên địa bàn phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Đây là dự án đầu tư BOT (rộng 30 m, dài 2,6 km), khởi công ngày 6/6/2012 với tổng mức đầu tư khoảng 461 tỷ đồng. Dự án được khai thác theo phương án hợp đồng trong vòng 24 năm. Đến nay, sau 12 năm đầu tư xây dựng, dự án BOT này đã hoàn thành và dự kiến sẽ vận hành, thu phí từ quý III/2024.
Để thực hiện việc thu phí theo dự kiến, ngày 8/3/2024, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 705/QĐ-UBND về việc quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT Phú Hữu. Theo quyết định này, mức thu ở trạm BOT Phú Hữu tối đa đối với các xe như sau:
Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng, giá vé tối đa là 17.000 đồng/vé, vé tháng là 510.000 đồng/tháng, vé quý là 1.377.000 đồng/quý.
Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có giá 25.000 đồng/vé, vé tháng là 750.000 đồng/tháng, vé quý là 2.025.000 đồng/quý.
Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn có giá 36.000 đồng/vé, vé tháng là 1.080.000 đồng/tháng, vé quý là 2.916.000 đồng/quý.
Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet có giá 66.000 đồng/vé, vé tháng là 1.980.000 đồng/tháng, vé quý là 5.346.000 đồng/quý.
Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet có giá 133.000 đồng/vé, vé tháng là 3.990.000 đồng/tháng, vé quý là 10.773.000 đồng/quý.
Mức thu phí tối đa tại trạm BOT Phú Hữu được phê duyệt. |
Trên cơ sở mức giá tối đa nói trên, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các bên tham gia ký kết hợp đồng BOT trên thương thảo, thống nhất, trình UBND Thành phố ban hành mức giá cụ thể và các đối tượng miễn, giảm để có cơ sở triển khai thực hiện. Sau một năm thực hiện, nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên) chịu trách nhiệm kiểm tra, cập nhật số liệu xe cộ thực tế, so sánh phương án giá được duyệt, đề xuất UBND Thành phố xem xét điều chỉnh mức giá phù hợp. Việc này để đảm bảo lợi ích người dân, nhà đầu tư và tính khả thi trong việc hoàn vốn cho toàn dự án.
Đến ngày 15/3/2024, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên có công văn gửi Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đề xuất, trạm BOT Phú Hữu chỉ thu bằng 90% mức giá tối đa quy định tại Quyết định số 705/QĐ-UBND do tình hình kinh tế năm 2024 còn nhiều khó khăn. Thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 1/5 đến 31/12/2024. Còn từ ngày 1/1/2025 thu bằng mức giá tối đa quy định tại Quyết định số 705/QĐ-UBND.
Ngoài ra, chủ đầu tư đề xuất bổ sung mức giảm 50% cho xe của cán bộ công nhân viên doanh nghiệp có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu; xe không kinh doanh có trụ sở cách trạm thu phí BOT Phú Hữu trong phạm vi 500 mét (tính từ nơi đặt trạm); xe dưới 12 ghế ngồi không kinh doanh của hộ dân cư trú trên đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu.
Ngày 11/4/2024, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đã đồng ý với 2 đề xuất của chủ đầu tư. Một là với đề xuất mức thu bằng 90% mức giá tối đa quy định tại Quyết định số 705/QĐ-UBND là phù hợp với tình hình hồi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp qua đại dịch Covid-19. Hai là đề xuất giảm 50% giá vé đối với xe ô tô dưới 12 ghế ngồi không kinh doanh của hộ dân cư trú trong phạm vi tuyến đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu chỉ nên áp dụng với người dân thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng (tương tự như dự án mở rộng xa lộ Hà Nội).
Còn với đề xuất giảm giá vé cho xe của nhân viên doanh nghiệp có trụ sở trên tuyến đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu và ô tô không kinh doanh có trụ sở cách Trạm thu phí BOT Phú Hữu trong phạm vi 500m, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh cho rằng, không phù hợp và không tương đồng với việc thu phí tại các trạm thu giá trên địa bàn thành phố như Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội, An Sương – An Lạc, Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ.
Người dân phản đối vì trạm BOT ở tuyến đường độc đạo
Phản ánh đến Báo Công Thương, hàng loạt người dân sống tại khu phố 6, phường Phú Hữu (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, hiện trạm BOT Phú Hữu này nằm trên tuyến đường độc đạo ra vào của các khu dân cư ở bên trong. Thêm vào đó, cự ly giữa khu dân cư này đến trạm BOT chưa đến 200 mét so với tổng chiều dài toàn tuyến (2,6 km), trạm BOT cũng không nằm trong quần thể dự án của những khu dân cư hiện hữu. Người dân chỉ có một lựa chọn duy nhất để đi ra ngoài là phải qua trạm BOT này.
Người dân cho biết, nếu như trạm BOT Phú Hữu và thành phố vẫn giữ quan điểm thu phí cả đối với những phương tiện cá nhân, xe dịch vụ của người dân sống xung quanh trạm này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.
Trạm BOT Phú Hữu nằm trên tuyến đường độc đạo khiến người dân không có lựa chọn - Ảnh: Sỹ Đồng |
“Nếu doanh nghiệp thu phí cả đối với những phương tiện cá nhân và xe dịch vụ của cư dân chúng tôi thì hết sức vô lý. Bởi, đây là tuyến đường độc đạo ra vào hằng ngày của hàng trăm, hàng nghìn người dân. Chúng tôi cũng chỉ sử dụng xe cá nhân của mình hoặc sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng như xe công nghệ, taxi, không hề kinh doanh vận tải hàng hóa liên tỉnh, trọng tải nặng, nhưng lại phải chịu cảnh thu phí. Nếu việc này diễn ra, chúng tôi bước chân ra đường đã phải mất tiền. Điều này chẳng khác gì chúng tôi phải trả tiền cho doanh nghiệp để được vào nhà mình hằng ngày”, một người dân bức xúc chia sẻ.
Người dân khu phố 6 cũng chia sẻ, trước nay tại tuyến đường này đã chịu cảnh kẹt xe (xe container, xe tải ra vào cảng, khu công nghiệp) và cảnh bụi mịn ô nhiễm không khí khi sống quanh dự án. Nay lại, phải đóng tiền qua BOT của Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên khiến họ rất bức xúc. “Đây là điều bất hợp lý và gây ra bất ổn đối với đời sống thường ngày của cư dân chúng tôi. Không thể vì tận thu mà gây xáo trộn cuộc sống của cư dân thuộc những khu dân cư hiện tại.”, một cư dân ở đây kiến nghị.
“Chúng tôi không có ý kiến gì về chuyện trạm BOT Phú Hữu thu phí đối với các xe tải, xe container, xe chở hàng hóa ra vào Cảng Phú Hữu và Khu công nghiệp Phú Hữu, bởi những xe đó họ làm dịch vụ. Nhưng đối với người dân chúng tôi ở quanh đây, tại sao lại phải trả tiền để vào nhà của chính mình? Đặc biệt, khoảng cách từ nhà chúng tôi tới trạm này chỉ 100-200 mét, trạm BOT án ngữ giữa đường, đây là tuyến độc đạo duy nhất để ra vào khu dân cư. Vậy nếu không qua trạm thu phí này, chúng tôi phải đi lại thế nào để vào nhà?”, một người dân khác cho biết.
Hiện, một số người dân tại đây đã có đơn gửi UBND TP. Thủ Đức và Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh để nêu những kiến nghị của mình. Trong đó, người dân đề nghị không áp dụng thu phí BOT đối với các phương tiện dưới 12 chỗ ngồi thuộc sở hữu của các cư dân từ trạm thu phí hướng về phía cảng và ngược lại. Đồng thời, không áp dụng thu phí BOT đối với các phương tiện dưới 12 chỗ ngồi thuộc tổ chức kinh doanh như xe dịch vụ chở người, xe công nghệ, xe taxi, xe vận chuyển... phục vụ cho nhu cầu của dân cư trong khu vực này.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin.