Đại biểu đặt câu hỏi cho lãnh đạo các sở, ngành trong ngày làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 9 HĐND khóa IX |
Băn khoăn ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển đô thị
Đặt câu hỏi chất vấn với Sở Khoa học & Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy nói, việc phát triển đô thị thông minh có vai trò quan trọng của yếu tố con người. Vậy Sở Khoa học & Công nghệ có sự chuẩn bị như thế nào? Để phát triển tri thức, nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao khả năng hội nhập khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sở đã có giải pháp như thế nào? Đại biểu này cũng tỏ ra băn khoăn với việc tạo không gian sáng tạo như thế nào để khai thác tiềm năng của các bạn trẻ cho việc chống ngập nước, kẹt xe…
Cũng liên quan đến vai trò của Sở Khoa học và Công nghệ, Đại biểu Trần Quang Thắng đặt câu hỏi, Sở Khoa học và Công nghệ có những chiến lược và kế hoạch như thế nào để phát triển khoa học sáng tạo, khoa học công nghệ?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Thúy, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ - cho hay, sở đã hình thành chương trình nghiên cứ mục tiêu, hướng ngành công nghệ thông tin vào việc nghiên cứu và xây dựng các giải pháp đóng góp cho đô thị thông minh. Hiện nay đã bắt đầu tiếp nhận các đề tài, đề xuất để nghiên cứu. Chúng tôi cũng phối hợp với các vườn ươm, tổ chức các cuộc thi, tuyển chọn các dự án đóng góp vào việc xây dựng thành phố thông minh, ví dụ như Cuộc thi về IOT.
“Hiện nay, công nghệ IOT là công nghệ cốt lõi cho việc xây dựng thành phố thông minh cũng như cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tất nhiên, như đại biểu Thúy đề cập, vấn đề con người rất quan trọng nhưng không chỉ riêng của khoa học công nghệ mà tất cả các ngành đều tham gia vào việc nâng cao nhận thức của người dân. Bởi thành phố thông minh mà đèn đỏ vẫn vượt thì không thể nào nói là thông minh được” - ông Dũng cho biết.
Đối với câu hỏi của đại biểu Thắng, ông Nguyễn Việt Dũng cho hay, hiện đơn vị đã dành khoảng hơn 20% kinh phí để hỗ trợ thực hiện các đề tài nghiên cứu nằm trong 7 chương trình đột phá của TP. Hồ Chí Minh. Riêng đối với chương trình giảm ùn tắc giao thông, Sở đang phối hợp với Đại học Quốc gia để kết nối các nhà khoa học tham gia vào lĩnh vực này, với những đề tài như “Hệ thống thu thập dữ liệu và cảnh báo giao thông sử dụng điện thoại thông minh” của Đại học Bách khoa và chuẩn bị áp dụng thử nghiệm. Hay chương trình “Ước lượng và trực quan hóa các thông số giao thông dựa trên hình ảnh”…
Tăng kinh phí gấp đôi cho nghiên cứu khoa học
Cũng trong phiên chất vấn sáng ngày 12/7, các đại biểu còn nêu nhiều ý kiến xung quanh việc hỗ trợ cho sinh viên nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên có tác động rất lớn đến sự phát triển tư duy sáng tạo của sinh viên. Tuy nhiên, trong thời gian qua số lượng đề tài nghiên cứu khoa học cũng như tính ứng dụng, chất lượng của các đề tài nghiên cứu khoa học trong sinh viên còn khiêm tốn, hạn chế.
Đại biểu Ngọc Thắm nêu ý kiến, hiện nay kinh phí hỗ trợ cho sinh viên nghiên cứu sáng tạo đã tăng khoảng 50% so với trước đây, vậy Sở Khoa học & Công nghệ đã làm gì để vực dậy tinh thần nghiên cứu khoa học của các sinh viên trong trường đại học? Sở đã có vai trò gì trong việc kết nối các đề tài nghiên cứu khoa học của các em với các giáo sư đầu ngành, các doanh nghiệp để các em được phát triển đề tài nghiên cứu khoa học đi xa hơn?
Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Thị Phương Linh cho rằng, sở cần kết nối làm sao để cho sinh viên có thể khởi nghiệp sáng tạo.
Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Khoa học & Công nghệ cho biết, vừa qua, đơn vị đã nâng mức lên 150 triệu đồng/sinh viên, tức khoảng 7.000 USD (trong khi trước kia các em chỉ được hỗ trợ khoảng 70-80 triệu đồng cho 1 đề tài nghiên cứu khoa học). Nếu so sánh với thế giới thì số tiền đó là khá tốt, giúp sinh viên hoạt động nghiên cứu. Cũng theo ông Dũng, hàng năm sở đều hỗ trợ cho sinh viên thông qua Trung tâm sáng tạo trẻ của Thành đoàn để thực hiện vườm ươm nghiên cứu khoa học của thành đoàn. Tuy nhiên, nguồn ngân sách dành cho sinh viên nghiên cứu còn ít.
“Sắp tới, sở sẽ hỗ trợ kinh phí tổ chức các cuộc thi để lựa chọn ý tưởng tốt và đưa vào các vườn ươm để họ hoàn thiện các sản phẩm trước khi tiếp cận giai đoạn thứ hai là chương trình startup. Tới đây, các bạn sinh viên được học kỹ năng phòng chống rủi ro khi khởi nghiệp, gặp nhà tư vấn để có thể hiểu hơn về phương thức đổi mới khởi nghiệp sáng tạo thành công…”, ông Dũng cho biết.