Ông Phạm Xuân Hồng- Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh- chia sẻ, đến thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa công bố mức thưởng Tết. Tuy nhiên cũng đã có một vài doanh nghiệp thông tin cho Hội rằng họ sẽ thưởng 1 tháng lương, hoặc khá hơn thì có doanh nghiệp thưởng 2 tháng, thậm chí có doanh nghiệp thưởng 3 tháng lương cho người lao động.
Theo thống kê ban đầu của Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh, sẽ có 50% doanh nghiệp may thưởng 1 tháng lương, hơn 30% thưởng 2 tháng, còn lại gần 10% doanh nghiệp may thưởng 3 tháng. Theo phân tích của Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh, mức lương trung bình của công nhân may hiện nay khoảng 8 triệu đồng. Vì vậy, doanh nghiệp thưởng 1 hay 2 tháng lương cho công nhân cho thấy sự nỗ lực lớn của doanh nghiệp.
Đa phần doanh nghiệp may công bố thưởng 1 tháng lương cho công nhân |
Đối với việc lương thưởng chưa thực sự cao như một số ngành khác và có một số doanh nghiệp chậm công bố thưởng Tết, ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, năm 2018 chi phí đầu vào ở mức đỉnh điểm, lợi nhuận không cao… Muốn gia tăng lợi nhuận buộc doanh nghiệp phải cắt giảm đầu vào, tập trung cho đầu tư trang thiết bị để tăng năng suất, cho nên thưởng cao hoàn toàn khó.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công ty Ba Huân - cho biết, năm nào doanh nghiệp cũng thưởng tháng 13 cho công nhân. Riêng vấn đề thưởng Tết Kỷ Hợi 2019, sẽ công bố vào những ngày cuối năm. Mục đích để tránh sự so đo về thưởng Tết của công nhân. Thứ hai, chưa chốt sổ năm tài chính 2018 nên doanh thu và lợi nhuận chưa rõ, vì vậy chưa thể công bố thưởng Tết bao nhiêu.
Ở lĩnh vực sản xuất thực phẩm chế biến, Công ty Cổ phần Sài Gòn Food cho biết, công ty dành ngân sách 40 tỷ đồng để thực hiện các chính sách chăm lo cho người lao động dịp Tết Kỷ Hợi. Thưởng 2 tháng lương dành cho công nhân viên. Mức thưởng thực nhận bình quân 17 triệu đồng người. Đặc biệt, công nhân sản xuất có tay nghề cao, đạt danh hiệu thi đua được thưởng gần 3 tháng lương, tương đương mức thưởng năm 2018 thực nhận trên 30 triệu đồng. Nhằm tạo điều kiện cho công nhân viên về quê sum họp Tết cùng gia đình, năm nay doanh nghiệp tiếp tục duy trì chính sách tổ chức xe giường nằm chất lượng cao để đưa đón công nhân viên về quê dịp Tết. Tổng chi phí hỗ trợ là 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị này còn thực hiện chi trả tồn phép năm bằng tiền cho công nhân sản xuất và chi thưởng thâm niên cho cán bộ công nhân viên với tổng ngân sách gần 6 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, mặc dù chưa công bố thưởng bao nhiều nhưng đa phần doanh nghiệp cho biết sẽ có lương tháng 13 cùng với các khoản thưởng bổ sung theo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không quên thực hiện các chính sách chăm lo tết cụ thể như: xe về Tết, quà Tết,… Một số Hiệp hội khẳng định, chính sách chăm lo Tết cho công nhân đã lan nhanh trong cộng đồng doanh nghiệp. Đa phần doanh nghiệp đều tổ chức chuyến xe về Tết cho công nhân.
Liên quan đến việc lương thưởng cuối năm, mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh- ông Nguyễn Thành Phong - đã ký chỉ thị yêu cầu các sở- ban- ngành, UBND các quận- huyện, các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố, xây dựng kế hoạch, tổ chức chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần người lao động; chi trả lương, thưởng sớm để người lao động chủ động mua sắm tết. Chỉ thị yêu cầu các sở - ban - ngành, phối hợp tổ chức thăm hỏi, chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn, đảm bảo mọi người dân, mọi gia đình đều có Tết cổ truyền đầm ấm, vui vẻ.
Mới đây Cục Quan hệ lao động và Tiền lương gửi các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu việc khảo sát tập trung chủ yếu ở 4 nhóm doanh nghiệp đang thu hút phần lớn người lao động. Trong đó bao gồm công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100%, công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân. Dự đoán, nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thường có mức thưởng cao nhất trong 4 nhóm được khảo sát. |