Ông lớn bất động sản dồn dập hút nghìn tỷ, thị trường trái phiếu bớt áp lực Hơn 61 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong 3 tháng cuối năm 2023 |
Nhà đầu tư của Saigon Glory kêu cứu
Báo Công Thương nhận được đơn của hàng loạt nhà đầu tư phản ánh về việc nhiều tháng nay họ không nhận được tiền gốc và lãi từ Công ty TNHH Saigon Glory.
Trước đó, năm 2020, Công ty Saigon Glory phát hành 10 lô lẻ trái phiếu giá trị 10.000 tỷ đồng cho gần 4000 trái chủ để thực hiện Dự án The Spirit of Saigon: Khu văn phòng – thương mại – dịch vụ – căn hộ – khách sạn tại số 1 Phạm Ngũ Lão, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 - 5 năm và lãi suất tối thiểu năm đầu tiên 11%/năm. Trong đó, 5.000 tỷ đồng được đáo hạn vào tháng 6 - 7/2023 và 5.000 tỷ đồng được đáo hạn vào tháng 8/2025.
Tài sản đảm bảo là phần vốn góp tại Công ty TNHH Sài Gòn Glory là công trình trên đất hình thành trong tương lai là tháp A - cấu phần khách sạn, văn phòng hình thành trên ô đất dự án. Việc phát hành lô trái phiếu trên thông qua Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI); Tổ chức kiểm toán là Công ty TNHH Hãng kiểm toán và định giá ATC -CN tại TP. Hồ Chí Minh.
10 lô trái phiếu đã phát hành của Saigon Glory |
Đến tháng 10/2022, sau những rắc rối về khả năng thanh toán trái phiếu trên thị trường tài chính liên quan vụ lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt, Saigon Glory có cam kết mua lại trước hạn toàn bộ 10.000 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành này theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, công ty mua 5.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn không muộn hơn 12/6/2023, còn giai đoạn 2 không muộn hơn 12/6/2024.
Theo bà Bùi Thị Lan N. (trú tại Hà Nội), bà đã mua 70.000 trái phiếu của Saigon Glory (tương ứng với 7 tỷ đồng). "Do tin tưởng vào uy tín, năng lực Saigon Glory đưa ra, nên bà cùng nhà đầu tư đã xuống tiền mua trái phiếu do công ty này phát hành. Tuy nhiên, tới kỳ hạn như đã cam kết, Công ty Saigon Glory không thanh toán như đã thoả thuận, khiến bà và hàng loạt khách hàng khác lo lắng", bà N. cho biết.
Tương tự như bà N., bà Trần Bích T. cũng mua 50.000 trái phiếu của doanh nghiệp này (tương ứng với 5 tỷ đồng) cho biết, theo bản công bố thông tin và các điều khoản của trái phiếu thì Saigon Glory phát hành trái phiếu để thực hiện dự án The Spirit of Saigon và công ty này không chỉ huy động vốn trái phiếu từ các nhà đầu tư cá nhân như bà, mà còn huy động từ nhiều nguồn khác với danh nghĩa là để đầu tư phát triển. Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra việc dự án đang dừng thi công, không tiếp tục phát triển, bà cùng hàng loạt nhà đầu tư đã đặt dấu hỏi về việc công ty này đã sử dụng tiền huy động vốn vào mục đích gì?
Cũng theo phản ánh của các nhà đầu tư, từ thời điểm trái phiếu đáo hạn đến nay, mặc dù bà và các trái chủ khác nhiều lần đề nghị, nhưng cả tổ chức phát hành đến công ty mẹ của Saigon Glory là Tập đoàn Bitexco đều có thái độ không hợp tác, không thiện chí trong việc trả nợ cũng như xử lý tài sản đảm bảo để trả nợ cho nhà đầu tư.
Saigon Glory tổ chức Hội nghị người sở hữu trái phiếu nhằm xin giãn thời gian thanh toán nhưng không đạt được kết quả. |
Theo tìm hiểu, sau một thời gian các nhà đầu tư gửi đơn đến các cơ quan chức năng, đến ngày 20/9/2023, Công ty Saigon Glory có văn bản gửi Ngân hàng và TVSI về việc phối hợp bàn giao tài sản bảo đảm. Đến ngày 6/10/2023, Saigon Glory, phía Ngân hàng và TVSI đã tiến hành cuộc họp ba bên nhằm thảo luận chi tiết và thống nhất về quy trình bàn giao để xử lý TSĐB và các bước cần thực hiện tiếp theo.
Tại cuộc họp về việc bàn giao tài sản bảo đảm của trái phiếu vào ngày 6/10/2023, phía Tổ chức quản lý tài sản bảo đảm cho biết, căn cứ theo quy định tại các Văn kiện trái phiếu, kể từ tháng 6/2023 đến ngày họp, Tổ chức Quản lý tài sản bảo đảm đã 5 lần yêu cầu tổ chức phát hành định giá lại tài sản bảo đảm nhưng không nhận được phản hồi của từ phía tổ chức phát hành. Tháng 9/2023, Tổ chức Quản lý tài sản bảo đảm đã chủ động tạm ứng chi phí để thực hiện định giá lại.
Đáng chú ý, qua quá trình định giá đã xác định, giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản hình thành trong tương lai của Tháp A của dự án The Spirit of Saigon được định giá lại là 4.653 tỷ đồng theo Chứng thư định giá ngày 30/8/2023 của Công ty TNHH DPV, giá trị tài sản bảo đảm là Phần vốn góp của tổ chức phát hành được đánh giá lại là âm 1.028 tỷ đồng căn cứ theo báo cáo Đánh giá phần vốn góp Saigon Glory tháng 9/2023 của Công ty Cổ phần chứng khoán DSC – chi nhánh Hồ Chí Minh.
Saigon Glory làm ăn ra sao?
Nằm ở trung tâm quận 1 (đối diện chợ Bến Thành), dự án The Spirit of Saigon thi công chậm chạp, thậm chí “đắp chiếu” trong thời gian dài |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, mặc dù phía Sài Gòn Glory huy động hàng chục nghìn tỷ từ trái phiếu để thực hiện dự án The Spirit of Saigon. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế cho đến thời điểm hiện tại dự án The Spirit of Saigon vẫn đang dang dở, thậm chí “đắp chiếu” trong thời gian dài.
Theo thông tin từ công bố ở Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2022, Saigon Glory lỗ hơn 152,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 290,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm so với cùng kỳ, còn hơn 6.847 tỷ đồng. Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 3,99 lần. Như vậy, hiện công ty Saigon Glory có hơn 27.300 tỷ đồng nợ phải trả.
Trước đó, vào tháng 6, 7 và 8/2023, Công ty Saigon Glory đã có gửi văn bản lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), công bố về việc chậm thanh toán 5 lô trái phiếu với tổng giá trị 5.000 tỷ đồng.
Các lô trái phiếu này có mã SGL-2020.01, SGL-2020.02, SGL-2020.03, SGL-2020.04 và SGL-2020,05, phát hành từ tháng 6 và 7/2020, kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào tháng 6, tháng 7 năm nay. Tuy nhiên đến hạn thanh toán, Saigon Glory đã chậm thanh toán gốc hoặc gốc và lãi.
Lý do công ty nêu là thị trường tài chính, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi dẫn đến chưa thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán đúng hạn so với kế hoạch.
Được biết, Công ty Saigon Glory được thành lập tháng 6/2018. Hiện tại công ty có vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng, do ông Trịnh Quang Công làm Tổng Giám đốc, ông Vũ Quang Bảo là Chủ tịch Hội đồng thành viên.