Sáng này 31/8, tại các quận Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh... đều có phụ huynh đưa con đến tiêm vaccine. Đại diện Trạm y tế phường Tây Thạnh (quận Tân Phú. TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trong buổi sáng nay, trạm đã tiêm vaccine sởi cho khoảng 20 trẻ nhỏ.
Chị Đỗ Liên (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) cho hay: “Tôi đến đây từ lúc 10h, nơi này khá đông người. Những ngày qua, vợ chồng tôi đều cập nhật tình hình của dịch. Sau khi xem thông tin trên mạng và những khuyến cáo của bác sĩ, vợ chồng tôi phải tranh thủ không về quê, mang con đi tiêm ngay”.
Chị Nguyễn Thị Hà (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) cũng tranh thủ ngày nghỉ để đưa con đi khám. Chị Hà cho biết: “Vợ chồng tôi bảo nhau về quê muộn một chút để đưa con đi tiêm. Do đó, ngay ngày đầu tiên của chiến dịch tiêm bổ sung tôi đã phải đưa con đi ngay".
Điểm tiêm vaccine Sởi cho trẻ tại Trạm y tế Phường Tây Thạnh (Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: N.M |
Cũng trong sáng nay, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, dẫn đoàn đi kiểm tra tại Trạm Y tế phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Trong lúc người dân đợi đến lượt tiêm của con, bác sĩ Châu thăm hỏi và chia sẻ thông tin về dịch bệnh sởi đang diễn ra để người dân không hoang mang nhưng cũng không chủ quan.
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Trạm Y tế phường Tân Tạo A yêu cầu người dân phải mang khẩu trang khi đưa con đến tiêm vaccine. Quy trình tiêm là một chiều, phụ huynh đưa con đến đăng ký rồi vào khám sàng lọc, tiêm vaccine và đợi 30 phút. Trẻ không có phản ứng phụ nghiêm trọng sẽ được ra về. Dự kiến, trong ngày đầu ra quân chiến dịch, có gần 200 trẻ được tiêm vaccine.
Thực hiện chiến dịch tiêm chủng lần này, 10 Trạm y tế trên địa bàn quận Bình Tân được huy động làm việc xuyên lễ 2/9. Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, số trẻ trên địa bàn tiêm thiếu mũi vaccine sởi còn khoảng gần 3.000 trẻ. Trước đó, vào tháng 6, y tế quận đã tiêm khoảng 2.000 mũi vaccine sởi. Trong đợt này, Bình Tân tiếp tục ra soát tất cả trẻ cư trú trên địa bàn, kể cả những bé mới theo cha mẹ đến sinh sống, sẽ lập danh sách để mời ra tiêm.
Trong sáng 31/8, nhiều trẻ nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh được tiêm vaccine sởi. Ảnh: D.H |
Trong buổi làm việc với quận Bình Tân, lãnh đạo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thời điểm này có 2 nhiệm vụ quan trọng: Thứ nhất là gia tăng mức độ miễn dịch trong cộng đồng, đạt ngưỡng trên 95%. Thứ 2 là bảo vệ được nhóm nguy cơ. Đây là những trẻ vì bệnh mạn tính mà chưa được tiêm vaccine, hoặc mắc những bệnh lý miễn dịch không thể tiêm vaccine. Đối với nhóm này, chỉ có thể bảo vệ bằng cách hạn chế lây lan dịch trong cộng đồng và bệnh viện.
Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, sau khi UBND Thành phố công bố dịch, Sở đã giao Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) liên hệ mua vaccine sởi. Ngày 30/8, 300.000 liều vaccine sởi - rubella đã được vận chuyển đến TP. Hồ Chí Minh, HCDC tiếp nhận và phân bổ cho các trung tâm y tế, trạm y tế, sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm vaccine trong sáng nay.
Những đối tượng được ưu tiên tiêm trong chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi là trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi đang sinh sống tại TP không kể tiền sử tiêm chủng, các trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao (từ 6 tuổi đến 16 tuổi) đang khám điều trị tại các bệnh viện không kể tiền sử tiêm chủng.
Nhóm trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi chưa tiêm đủ mũi vaccine, các nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc với người mắc Sởi, nhân viên y tế chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine có thành phần Sởi cũng sẽ được tiêm trong chiến dịch này.
Chương trình sẽ không tiêm vaccine mở rộng cho những trẻ đã được tiêm vaccine có chứa thành phần sởi trong vòng 1 tháng trước khi triển khai chiến dịch (cần có bằng chứng thể hiện trên phiếu/sổ tiêm chủng/phần mềm quản lý tiêm chủng).