Ngày 30/7, UBND TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Xây dựng đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị |
Vấn đề nhức nhối
Ông Lê Trần Kiên - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tổng số giấy phép xây dựng được cấp trên toàn thành phố gần 126.400 giấy. Trong đó, giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ chiếm 89%, chứng tỏ nhu cầu nhà ở của người dân rất cao.
Cũng trong thời gian này, địa bàn TP có gần 6.830 công trình vi phạm, gồm hơn 3.320 trường hợp sai phép (chiếm gần 49%), xây dựng mà không xin phép trên đất đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng và hơn 2.570 trường hợp xây dựng không phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP cho rằng, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, phát triển đô thị trên địa bàn TP vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, công tác tổ chức thực hiện quy hoạch chưa có kế hoạch để xác định thời gian, lộ trình thực hiện và công bố công khai cho dân cư.
Đặc biệt, các khu chức năng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công viên cây xanh, công trình công cộng thường kéo dài thời gian thực hiện, thiếu khả thi do chưa có nguồn lực thực hiện.
“Thế nhưng, chính sách về nhà, đất như cấp giấy phép xây dựng, cấp Giấy chứng nhận cũng như các giao dịch, tách thửa… ở nơi quy hoạch chưa công bằng, còn chênh lệch lớn giữa người dân trong và ngoài khu vực quy hoạch. Điều này gây ra bức xúc cho người dân trong khu vực quy hoạch, do ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày cũng như quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ”, ông Hưng nói.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng được Sở Xây dựng và đại diện UBND các quận, huyện viện dẫn. Chẳng hạn, do đặc thù của địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, tình hình tăng dân số cơ học cao tại TP dẫn đến nhu cầu nhà ở cho người người thu nhập thấp tăng cao làm phát sinh tình trạng mua, bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp.
Về nguyên nhân chung, lãnh đạo Sở Xây dựng TP cũng cho rằng, chính quyền cấp cơ sở một số nơi chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, chưa phát hiện ngăn chặn hành vi xây dựng trái phép.
“Đối với các trường hợp xây dựng không phép, một phần do quản lý không chặt chẽ từ chính quyền địa phương. Công chức được phân công quản lý địa bàn chưa làm hết trách nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế”, lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định.
Phải cương quyết với những công trình vi phạm
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND các quận, huyện cũng xác định việc xử lý, cưỡng chế công trình không phép phải thực hiện nhanh, quyết liệt để răn đe đối với các trường hợp khác. Ngoài ra, nhiều giải pháp và cơ chế tháo gỡ những khó khăn, tạo thuận lợi trong việc xử lý cũng được đưa ra tại hội thảo.
ÔngTrần Văn Bảy - Chủ tịch UBND quận 9 đề xuất: Cần có giải pháp xử lý nghiêm minh ngay từ đầu đối với các công trình vi phạm xây dựng. Việc này không chỉ là đấu tranh, phòng ngừa ngay từ đầu mà còn để củng cố hồ sơ ngay từ đầu, làm cơ sở xử lý hình sự đối với các đầu nậu cố tình vi phạm.
Tương tự, UBND huyện Hóc Môn, UBND huyện Bình Chánh kiến nghị biện pháp cắt điện, nước tại các công trình vi phạm xây dựng. Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú - ông Phạm Minh Mẫn - còn đề xuất không cấp phép kinh doanh tại các công trình vi phạm xây dựng.
Ngoài ra, hội nghị cũng đề xuất nhiều giải pháp bên cạnh việc làm tốt công tác thanh tra kiểm tra. Cụ thể, UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất các đơn vị có liên quan không cấp số nhà; không cung cấp dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác đối với công trình vi phạm về đất đai, quy hoạch, xây dựng mà chưa chấp hành các quyết định xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - ông Võ Văn Hoàn - cho biết: Công tác lập lại trật tự xây dựng là vấn đề mang tính cấp bách đã được Thành ủy, UBND TP và các ngành thảo luận và ra nghị quyết. Việc lập lại trật tự xây dựng không chỉ góp phần làm cho TP tốt đẹp lên mà còn giúp người dân có cuộc sống có chất lượng hơn.
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hoàn thiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc phục vụ công tác cấp giấy phép xây dựng. Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND các quận, huyện sẽ tập trung rà soát quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tại các địa phương, điều chỉnh phù hợp, làm cơ sở cấp Giấy phép xây dựng theo quy định.
Hiện UBND TP đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn các quận ven và huyện ngoại thành để tham mưu trình UBND TP phân bổ chỉ tiêu đất nông nghiệp phù hợp với tình hình dân số và tốc độ đô thị hóa của từng địa phương. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong việc cấp phép xây dựng.
Ngoài ra, những cán bộ, công chức có vi phạm trong hoạt động công vụ sẽ bị xử ý nghiêm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng. Hoạt động giám sát, kiểm tra trật tự xây dựng cũng sẽ ứng dụng công nghệ.