Hải Phòng: Một nữ sinh mất tích nghi liên quan đến lừa đảo qua mạng xã hội TP. Hồ Chí Minh: Công an khuyến cáo cảnh giác thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi trên không gian mạng |
Tại cuộc họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh, do UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiều tối ngày 14/9, trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp: Trường hợp nạn nhân đã bị lừa đảo qua mạng nên làm gì? Nạn nhân đã chuyển tiền thì cơ quan công an có thể yêu cầu ngân hàng tra soát phục vụ yêu cầu điều tra không? Ngoài biện pháp khuyến cáo người dân lực lượng Công an có giải pháp gì?
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ Chí Minh: Trong quá trình điều tra các vụ lừa đảo qua mạng có chuyển tiền qua tài khoản, cơ quan Công an có quyền yêu cầu các ngân hàng phối hợp cung cấp thông tin để xác minh, ngăn chặn và phục vụ điều tra vụ án theo quy định của pháp luật |
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Khi người dân đã bị lừa đảo qua mạng nên nhanh chóng liên hệ với ngân hàng để phong tỏa tài khoản, đồng thời trình báo đến cơ quan Công an để tiếp nhận, điều tra, xác minh xử lý vụ án theo quy định của pháp luật. Do đặc điểm của tội phạm lừa đảo qua mạng là tính ẩn danh, giả danh, đối tượng hoạt động có tính quốc tế cao và chuẩn bị sẵn phương án để xóa dấu vết, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan điều tra nên tỷ lệ điều tra các vụ án lừa đảo qua mạng hiện nay khá thấp so với tỷ lệ điều tra án nói chung.
Tuy nhiên, cơ quan Công an thời gian qua cũng đã liên tiếp khám phá nhiều vụ án, tổ chức tội phạm có số lượng lớn, với hàng trăm nạn nhân, Do đó, việc người dân tham gia tố giác tội phạm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ giúp cơ quan Công an trong công tác tập hợp tình hình, tuyên truyền và điều tra vụ án, xử lý đối tượng.
Trong quá trình điều tra các vụ lừa đảo qua mạng có chuyển tiền qua tài khoản, cơ quan Công an có quyền yêu cầu các ngân hàng phối hợp cung cấp thông tin để xác minh, ngăn chặn và phục vụ điều tra vụ án theo quy định của pháp luật.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, ngoài giải pháp tuyên truyền, khuyến cáo người dân. Lãnh đạo Bộ Công an và Công an TP. Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế nguyên nhân, điều kiện và nâng cao hiệu quả công tác điều tra khám phá án về tội phạm lừa đảo qua mạng như: Triển khai dự án cấp căn cước công dân, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tham mưu thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, trong đó tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, Ngân hàng nhà nước, các nhà mạng viễn thông từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế, xóa bỏ tình trạng sim rác; việc thuê, mượn tài khoản ngân hàng; bảo vệ thông tin bí mật cá nhân; phòng chống rửa tiền, kịp thời phong tỏa các tài khoản có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo..
Đồng thời, cũng cố, tăng cường lực lượng, phương tiện, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong công tác đảm bảo an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cũng như tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ của ngành Công an, nắm và giải quyết tình hình vụ việc ngay tại cơ sở.