TP. Hồ Chí Minh: Tiềm năng phát triển điện mặt trời trên mái nhà còn rất lớn TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ có thêm khoảng 200 triệu kWh điện mặt trời mái nhà các trụ sở đơn vị công lập |
Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có thông báo số 794 về kết luận của Phó Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan về "Đề án sử dụng các mái nhà là tài sản công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời để triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội", nhằm khuyến khích đầu tư loại nguồn này.
TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ có thêm khoảng 200 triệu kWh điện mặt trời mái nhà các trụ sở đơn vị công lập |
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, giao Sở Công Thương hoàn thiện đề án “Đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”.
Cụ thể, đối với trụ sở cơ quan hành chính, Sở Công Thương nghiên cứu phương án đầu tư tập trung bằng nguồn vốn đầu tư công (lập dự án đầu tư tổng thể để đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho các trụ sở cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố).
Đồng thời phối hợp với các sở, ngành, quận huyện xây dựng tiêu chí đánh giá trụ sở đủ điều kiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (bao gồm: Diện tích, công suất lắp đặt; mục đích tiêu thụ tại chỗ; an toàn về điện, an toàn xây dựng và phòng chống cháy nổ...) để làm cơ sở đề xuất danh sách các trụ sở cơ quan hành chính thực hiện đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Trên cơ sở tiêu chí đánh giá, Phó Chủ tịch giao Sở Công Thương phối hợp Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh và các sở, ngành, quận, huyện có liên quan tiến hành khảo sát, lập danh sách các trụ sở cơ quan hành chính đủ điều kiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, khái toán khối lượng đầu tư và tổng mức đầu tư thực hiện.
Đối với trụ sở đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công: Thực hiện theo phương án đầu tư phân tán; UBND thành phố khuyến khích các cơ quan, đơn vị đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở bằng nhiều hình thức đầu tư, đa dạng về nguồn vốn triển khai (vốn sự nghiệp hàng năm của các cơ quan, đơn vị); vốn nhà nước ngoài đầu tư công; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật; vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước; vốn viện trợ, tài trợ; vốn vay, vay kích cầu; vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng giao Sở Tài chính có ý kiến về đối tượng, nguồn vốn, hình thức lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại trụ sở các đơn vị sự nghiệp công lập, gửi Sở Công Thương tổng hợp, hoàn thiện đề án.
Liên quan đến đánh giá hiệu quả đầu tư, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cũng giao Sở Công Thương bổ sung thêm nội dung đánh giá hiệu quả đầu tư của việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở công, đặc biệt là hiệu quả đầu tư lâu dài. Đồng thời phân tích đánh giá giải pháp công nghệ, chi phí phần xử lý rác thải tấm năng lượng mặt trời hết sử dụng, sau khi thanh lý, bảo vệ môi trường, góp phần vào tăng trưởng xanh, kích thích năng lực đầu tư sản xuất các thiết bị để phát triển năng lượng xanh, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26).
"Giao Sở Công Thương, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc, kiến nghị với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ về cơ chế mua bán sản lượng điện không sử dụng hết từ hệ thống điện mặt trời mái nhà, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà trên địa bàn"- kết luận nêu rõ.
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan yêu cầu, Sở Công Thương cần hoàn thiện đề án theo các nội dung nêu trên; trình UBND thành phố báo cáo Ban cán sự Đảng, UBND TP. Hồ Chí Minh trước ngày 30/11/2023.
Trước đó, vào ngày 2/10/2023, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan chủ trì họp nghe báo cáo về “Đề án sử dụng các mái nhà là tài sản công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời để triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”. Tại buổi họp, Lãnh đạo, đại diện các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND TP. Thủ Đức, các quận và Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đã có báo cáo và nêu ý kiến về đề này.
Theo Sở Công Thương, với lợi thế là địa phương có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày, TP. Hồ Chí Minh có số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 đến 300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc. Tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời mái nhà ở TP. Hồ Chí Minh rất lớn, có thể đạt khoảng 5.081 MWp. Trong đó, có 4 nhóm đối tượng được xác định, gồm: Nhóm cơ quan hành chính chiếm 3,27%; nhóm sản xuất chiếm 31,28%; nhóm thương mại dịch vụ chiếm 3,1% và nhóm hộ gia đình chiếm 62,34%. Theo số liệu của Sở Công Thương, hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trụ sở do Nhà nước quản lý có diện tích mái nhà khoảng hơn 1,2 triệu m2, nếu lắp hết thì mỗi năm có thể sản sinh ra 180 - 200 triệu kWh. Hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà, đây là nguồn năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc giảm áp lực căng thẳng về nguồn điện trong giai đoạn sắp tới. |