TP. Hồ Chí Minh: Nhiều nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất TP. Hồ Chí Minh: Ngành lương thực thực phẩm sẵn sàng tăng tốc những tháng cuối năm |
Đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu
Báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức - cho biết, ngay từ đầu đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, TP đã triển khai đồng bộ công tác động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đã đi đúng hướng. Qua đó, tạo tiền đề cho việc kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa TP. Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi và bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP, chủ trì buổi làm việc |
Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân, TP. Hồ Chí Minh đã mở các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại 3 chợ đầu mối (Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn).
Đồng thời, huy động các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và các tổ chức kinh doanh TMĐT cùng tham gia với hệ thống phân phối hàng hóa hiện có của TP. Ngoài ra, TP cũng chỉ đạo TP. Thủ Đức và các quận huyện thực hiện việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân bằng phương thức “đi chợ hộ” thông qua Tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương, đáp ứng trên 99,8% số hộ có nhu cầu.
Đối với công tác an sinh xã hội, việc chăm lo an sinh xã hội cho người dân được các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện với phương châm “không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc”. Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện 3 đợt hỗ trợ và chi trên 7.800 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định, nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp, sau giai đoạn tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch covid-19, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ bao phủ vắc xin được nâng lên. Trong đó, có hơn 97% dân số trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 và 67% dân số trên 18 tuổi được tiêm mũi 2…
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện Chỉ thị số 18 nhằm tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP, góp phần tạo sự phấn khởi cho người dân, các doanh nghiệp (DN). TP từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, số DN, hộ kinh doanh mở cửa trở lại có xu hướng tăng dần, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh.
Về nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến cuối năm 2021, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, TP sẽ đa dạng hóa nguồn vắc xin, huy động mọi nguồn lực đáp ứng tỷ lệ tiêm chủng theo tiêu chí của Bộ Y tế, hướng đến bao phủ vắc xin toàn dân sớm nhất.
Bên cạnh đó, TP sẽ ban hành quy trình quản lý và xử lý khi phát hiện F0 trong cộng đồng, trong khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm gián đoạn các hoạt động của DN… Đồng thời, tiếp tục củng cố và phục hồi hệ thống y tế, hiện thực hoá thông điệp “Sống an toàn trong môi trường có dịch”.
Kiến nghị sớm ban hành gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp
Về các giải pháp hỗ trợ DN, phục hồi kinh tế, trong thời gian tới, TP tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 105 của Chính phủ về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại cuộc họp |
Theo đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng với DN, bình ổn thị trường, nắm bắt tình hình DN để kịp thời tháo gỡ, giúp DN tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thúc đẩy các dự án đầu tư công, tư nhân, cải cách hành chính, chuyển đổi số, tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2021.
Liên quan đến nguồn nhân lực, TP rà soát, đánh giá toàn diện lực lượng lao động trên địa bàn, kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp, đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn phục hồi, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động.
Đặc biệt, để kịp thời hỗ trợ cho các DN bị thiệt hại nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19, nhất là các địa phương tăng cường thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành gói kích cầu hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kinh doanh…
Tại buổi giám sát, các Đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cũng như các giải pháp để kiểm soát dịch Covdi-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Đáng chú ý, Đại biểu Quốc hội đề nghị ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh thiết lập nguồn cung cấp hàng hóa với các địa phương, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa đến người dân. Đặc biệt TP. Hồ Chí Minh cần liên kết vùng trong phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế để đảm bảo an ninh lương thực, nguồn lao động với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đồng thời, đề nghị TP và tỉnh giáp ranh cần thống nhất cơ chế lưu thông về lao động và hàng hóa một cách thông suốt, tránh trở ngại ách tắc…