Chính phủ báo cáo Quốc hội hàng loạt khó khăn, vướng mắc về nhà ở xã hội Thêm 2 đối tượng được mua nhà ở xã hội |
Tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng, chính quyền năm 2023 - triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, diễn ra ngày 11/1/2024, ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố là 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương khoảng 35.000 căn).
Tuy nhiên, dù đã hơn nửa nhiệm kỳ, đến nay mới chỉ có 2 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng với quy mô 61.554 m2 sàn (623 căn hộ) và 7 dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân đang triển khai với quy mô 440.690 m2 sàn (4.996 căn hộ).
TP. Hồ Chí Minh khó hoàn thành chỉ tiêu 35.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 |
Theo ông Trần Hoàng Quân, từ nay đến cuối năm 2025, TP. Hồ Chí Minh còn phải phát triển thêm khoảng 2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân (tương đương khoảng 29.381 căn hộ). Trường hợp không quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân thì TP. Hồ Chí Minh sẽ không có dự án đủ điều kiện để hưởng gói tín dụng 120.000 tỷ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đặc biệt, việc phát triển nhà ở hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội khó khăn kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được.
Do đó, ông Trần Hoàng Quân cho rằng, khả năng đến cuối năm 2025, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng để đưa vào đầu tư xây dựng khoảng 35.000 căn nhà ở xã hội tương ứng 2,5 triệu m2 sàn cũng rất khó khả thi.
Đánh giá về việc thực hiện mục tiêu nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, đến nay thành phố chỉ mới đạt khoảng 2,39%, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng. Mục tiêu của thành phố là phát triển 2,5 triệu m2 sàn, tương đương 35.000 căn nhà ở xã hội. Con số này cao hơn yêu cầu đặt ra trong đề án phát triển 1 triệu căn căn nhà ở xã hội giai đoạn đến năm 2030 của Thủ tướng và là mục tiêu rất thách thức.
Về phương hướng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường - cho biết: Vận dụng Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh gắn với công tác quy hoạch, quỹ đất và từ Luật Nhà ở năm 2023, thành phố sẽ tập trung giải quyết các vấn đề đang vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai đối với dự án nhà ở xã hội.
Tại hội nghị, Sở Xây dựng cũng đánh giá việc thực hiện hoàn thành chỉ tiêu chung về phát triển nhà ở trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 là khó hoàn thành.
Cụ thể, năm 2023, TP. Hồ Chí Minh phát triển khoảng 6,5 triệu m2 sàn. Như vậy, giai đoạn 2021 - 2023, thành phố chỉ phát triển khoảng 19,88 triệu m2 sàn, đạt khoảng 38% chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, để đạt được chỉ tiêu đề ra cuối nhiệm kỳ (giai đoạn 2021 - 2025), thành phố phải phát triển khoảng 30,12 triệu m2 sàn trong giai đoạn còn lại, tương ứng mỗi năm phát triển bình quân khoảng 15,06 triệu m2 sàn. Đây là con số chưa từng đạt được trong giai đoạn trước, khi thị trường bất động sản phát triển vượt bậc.
Do đó, khả năng hoàn thành chỉ tiêu phát triển 15,06 triệu m2 sàn trong 2 năm còn lại (2024 và 2025) là cực kỳ khó khăn. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu 50 triệu m2 của giai đoạn 2021 - 2025. Chính vì vậy, ông Trần Hoàng Quân cho rằng, kịch bản khả quan nhất là thành phố phát triển bình quân khoảng 8 triệu m2/năm trong 2 năm còn lại. Khi đó, giai đoạn 2021 - 2025, dự báo thành phố sẽ phát triển khoảng 35,88 triệu m2 sàn nhà ở, tương ứng khoảng 71% chỉ tiêu đề ra.
Năm 2023, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra 50.926 lượt, phát hiện 352 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Cụ thể, 159/352 trường hợp sai phép (chiếm tỷ lệ 45,2% tổng số vi phạm); 72/352 trường hợp không phép (chiếm tỉ lệ 20,5% tổng số vi phạm); 121/352 trường hợp vi phạm khác (chiếm tỉ lệ 34,4% tổng số vi phạm), chủ yếu là các công trình không che chắn, rơi vãi vật liệu xây dựng… |