Triển lãm và Hội nghị Tech4life 2024 với chủ đề “Công nghệ nâng tầm cuộc sống” được tổ chức từ ngày 12 - 13/9/2024 tại TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia (10/10), đồng hành cùng với TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy các chương trình kết nối chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tech4life 2024 có hơn 50 gian hàng trưng bày thiết bị, giải pháp công nghệ trong và ngoài nước. |
Triển lãm và Hội nghị Tech4life 2024 sẽ diễn ra các hoạt động chính: Triển lãm, Hội nghị, kết nối giao thương. Chương trình gồm 4 hội thảo chuyên đề với hơn 30 diễn giả góp phần tham luận, hơn 50 gian hàng trưng bày thiết bị, giải pháp công nghệ trong nước và đặc biệt có sự tham gia từ các quốc gia Đài Loan, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tech4life 2024 đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương 1:1 giữa các doanh nghiệp Việt Nam - quốc tế.
Triển lãm năm nay tập trung giới thiệu và trình diễn các sản phẩm thiết bị và giải pháp công nghệ đột phá mới từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các sản phẩm, giải pháp xuất sắc của thành phố, chính quyền địa phương theo 3 tuyến nội dung: Tech4Work, Tech4Life, Tech4Entertainment, với các triển lãm giới thiệu các lĩnh vực công nghệ thông tin khác nhau: Smart & Green Factory, Smart Office, Fintech, Proptech, Smart Home, Edtech, Gaming, Startups,...
Trong khuôn khổ triển lãm cũng diễn ra Lễ Ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Hiệp hội Phần mềm mã Nguồn mở Hàn Quốc (KOSSA).
Triển lãm và Hội nghị Tech4Life là sự kiện công nghệ thường niên. Đây là lần thứ 3 sự kiện được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, hướng đến giới thiệu các sản phẩm, nền tảng, giải pháp, thiết bị công nghệ thông minh, cập nhật các xu hướng chuyển đổi số nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đưa công nghệ hòa nhập vào trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Sự kiện góp phần hỗ trợ, giúp người dân, chính quyền và doanh nghiệp khu vực TP. Hồ Chí Minh có thể tiếp cận, ứng dụng các xu thế công nghệ mới, phục vụ chuyển đổi số tổ chức doanh nghiệp và thông minh hóa cuộc sống của con người.
Triển lãm và Hội nghị Tech4life 2024 được khai mạc vào sáng ngày 12/9. Ảnh: TK. |
Phát biểu tại triển lãm, ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2024, Thành phố tiếp tục chọn chuyển đổi số và đô thị thông minh là nội dung trọng tân với chủ đề "Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội". Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thành kế hoạch xây dựng Chính quyền số đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số với mục tiêu phấn đấu kinh tế số đóng góp năm 2024 là 22%, phấn đấu đạt 25% đến năm 2025 và 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố và đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, y tế, du lịch và an sinh xã hội.
"Thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút và phát triển hoạt động trong khu công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghệ số, vi mạch bán dẫn, nghiên cứu hình thành thêm khu công nghệ thông tin tập trung tại Thành phố, phát huy hiệu quả chuỗi công viên phần mềm Quang Trung. Từ đó lan toả và tạo sự liên kết vùng trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin", ông Võ Minh Thành cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Hội đồng sáng lập VIMASA, trong những năm gần đây, chuyển đổi số đã đi sâu vào từng người, từng nhà, từng cơ quan, tổ chức và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã đặt trọng tâm công tác chuyển đổi số là năm phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, số hoá các ngành, quản trị số và dữ liệu số. Chính vì thế, cộng đồng doanh nghiệp, tiên phong là khối doanh nghiệp công nghệ cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để chuyển mình, bứt phá.
"Ngay từ năm 2018, khi xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử, Thành phố đã xác định "tận khai thác dữ liệu" là một nhiệm vụ trọng tâm và kho dữ liệu dùng chung chính là giải pháp trong lộ trình rút ngắn khoảng cách và tạo lập nền tảng, xây dựng hạ tầng và dữ liệu, phát triển, khai thác dữ liệu và thực hiện chuyển đổi số hiệu quả", ông Thắng cho biết.
Có thể thấy, ứng dụng công nghệ trong công việc được xem là chìa khoá vàng giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng và xoay chuyển khi bối cảnh kinh tế xã hội đang biến động không ngừng. Công nghệ chính là cơ hội giúp doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ, tăng khả năng cạnh tranh và tạo ra bước đột phá lớn trong kinh doanh.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hoá quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hoá, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả.
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chuyển đổi số cần phải đi đôi với chuyển đổi xanh. Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh mới tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nếu phát triển chỉ tập trung chuyển đổi số mà không gắn với chuyển đổi xanh thì quá trình này không còn giá trị nữa.
Định nghĩa về khái niệm chuyển đổi xanh, bà Trinh chia sẻ: "Chuyển đổi xanh tập trung vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ sạch và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm môi trường".
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang thúc đẩy việc tạo ra hệ sinh thái toàn diện trong chuyển đổi xanh. Điều đó có nghĩa là việc chuyển đổi xanh không chỉ nhắm vào các doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần phải tích cực ứng dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng đến đưa chuyển đổi xanh vào trong chiến lược chung của mỗi doanh nghiệp.