Giá lúa gạo hôm nay ngày 23/10: Giá lúa đồng loạt tăng 200 - 700 đồng/kg |
Những ngày qua giá gạo tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận tăng từ 1.000 - 2.500 đồng/kg đối với các loại gạo tẻ thường khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng bởi khi giá gạo tăng, nhiều sản phẩm từ gạo như bún, hủ tíu cũng sẽ điều chỉnh.
Trong khi giá gạo đang có biến động, nhiều hệ thống siêu thị cho biết vẫn đang áp dụng bán giá bình ổn mặt hàng này, thậm chí một số loại gạo còn đang được giảm giá mạnh với mức bình quân từ 7-41%.
Theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 23/10, các siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra của nhà bán lẻ Saigon Co.op đang áp dụng giảm giá từ 23-30% cho gạo thơm thượng hạng. Mức giảm này được áp dụng từ cuối tháng 9 đến hết ngày 25/10/2023.
Giá gạo tại các siêu thị hiện ổn định |
Cụ thể các khách hàng thành viên của siêu thị này khi mua gạo thơm thượng hạng Neptune loại 5kg sẽ được giảm theo cấp độ. Trong đó, khách hàng thành viên giảm khoảng 23%, từ mức 204.000 đồng/ túi xuống còn 143.000 đồng/ túi (giảm 61.000 đồng); khách hàng thẻ Vàng/ Bạch kim giảm 30%, từ mức 204.000 đồng/ túi xuống còn 135.000 đồng/ túi (giảm 69.000 đồng).
Đáng chú ý, ngay sau đợt giảm giá này, từ 26/10 đến 15/11/2023, nhà bán lẻ này tiếp tục áp dụng giảm giá cho gạo Neptune ST24, ST25 loại 5kg, xuống còn 175.000 đồng/túi 5kg.
Tương tự Wimart cũng áp dụng giảm giá từ 7-16% cho một số loại gạo khi mua online như: Gạo tám Gò Công Vinafood1 túi 3kg giảm 16% còn 98.100 đồng/túi (giá cũ 117.000 đồng/ túi 3 kg); gạo ST25 giống cây trồng TW túi 3kg giảm 12% xuống còn 105.500 đồng/ túi (giá cũ 119.900 đồng/ túi 3kg); gạo ST25 Bảo Minh lúa ruộng tươi 3kg có mức giảm 7% xuống còn 113.300 đồng/túi (giá cũ 122.000 đồng/ túi 3kg); gạo tám Sóc Trăng Vinafood1 túi 3,5 kg giảm 16% xuống còn 92.700 đồng/ túi (giá cũ 110.500 đồng/túi 3,5 kg)…
Còn tại Emart, áp dụng giảm mạnh 41% cho gạo Meizan nàng thơm loại 5kg, từ 148.000 đồng/ túi, còn 88.000 đồng/ túi. Áp dụng đến 25/10/2023.
Theo chia sẻ của các nhà bán lẻ, sở dĩ thời điểm này giá gạo bán trong siêu thị vẫn giữ vững giá, thậm chí còn điều chỉnh giảm do doanh nghiệp ký hợp đồng với đơn vị cung ứng từ trước và đề nghị đối tác giữa giá nên góp phần đưa ra giá bán bình ổn hơn so với thị trường.
Điển hình như Saigon Co.op với kinh nghiệm nhiều năm tham gia chương trình bình ổn thị trường đã xây dựng kế hoạch tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ và luôn đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, đúng kế hoạch. Giá được thu mua từ nguồn kết hợp thêm khai thác hiệu quả mạng lưới phân phối hơn 800 điểm bán trên toàn quốc được giữ ổn định, không chịu biến động từ thị trường. Do nguồn dự trữ dồi dào nên cơ bản giá bán gạo tại các hệ thống phân phối không chỉ giữ ổn định mà còn được áp dụng giảm giá trong nhiều thời điểm khác nhau để hỗ trợ người tiêu dùng.
Được biết, hồi đầu năm nay Saigon Co.op đã đăng ký bình ổn 2 mặt hàng gạo gồm gạo trắng thường và gạo trắng thơm. Trong đó, tháng thường dự trữ 1.270 tấn và tăng lên 1.800 tấn trong 3 tháng Tết năm 2024. Trong đó gạo bình ổn của Saigon Co.op được cung cấp từ các thương hiệu như Wilmart, Tấn Vương; còn gạo Co.op Happy (thuộc nhóm hàng nhãn riêng của Saigon Co.op) tuy không nằm trong chương trình bình ổn nhưng có giá tốt tương đương.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo Sở Công Thương, ngay từ tháng 4/2023 thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn. Và gạo là 1 trong 11 nhóm hàng được bình ổn và giao chỉ tiêu cho một số đơn vị như Saigon Co.op và các công ty lương thực trên địa bàn. Trong đó, các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 23% đến 31%, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường.
Việc có kế hoạch ngay từ đầu năm đã giúp giá gạo bình ổn tại các kênh bán lẻ luôn thấp hơn giá ngoài thị trường từ 5-10%. Tuy nhiên, một số nhà bán cho biết, doanh nghiệp bán lẻ bị động nguồn cung do phụ thuộc vào nhà cung cấp. Vì vậy nếu từ nay đến cuối năm giá nhập tiếp tục tăng, giá bán ra ít nhiều gì cũng phải được điều chỉnh tăng.