Hàng loạt nghệ sĩ tiếp tay quảng cáo Sâm Tuệ Linh trái phép? |
Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, thời gian qua, mạng xã hội nổi lên tình trạng các diễn viên, nghệ sĩ quảng cáo mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Trước thực trạng này, Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh đã ban hành và triển khai nhiều kế hoạch kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu mỹ phẩm trên địa bàn.
Theo đó, những trường hợp không đạt chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hay mỹ phẩm có thông tin quảng cáo tương tự thuốc chữa bệnh... Thanh tra Sở Y tế sẽ xử phạt hành chính, kiên quyết tịch thu và tiêu hủy.
Đồng thời, Sở Y tế sẽ phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP. Hồ Chí Minh để giám sát, xử lý diễn viên, nghệ sĩ quảng cáo mỹ phẩm trái quy định pháp luật.
Cuối tháng 5, Cục Quản lý thị trường TP.Hồ Chí Minh đã phát hiện hàng trăm nghìn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu nhập lậu trên địa bàn thành phố tại một kho rộng gần 500 m2 của Công ty TNHH Công nghệ Dotcom ( quận Tân Phú). Các sản phẩm bao gồm mỹ phẩm, son, nước tẩy trang...
Cùng thời điểm, Đội quản lý thị trường số 3 cũng phát hiện nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, sữa bột... không rõ nguồn gốc, nghi nhập lậu tại Công ty TNHH Kamiki tại quận 10.
Trước đó, cuối tháng 3/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công an; UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.