Theo đó, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị, địa phương trên địa bàn Thành phố (TP) chủ động, tạo điều kiện và hướng dẫn DN tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo 1 trong 4 phương án.
TP. Hồ Chí Minh đưa ra 4 phương án sản xuất an toàn cho các doanh nghiệp lựa chọn |
Cụ thể, phương án 1: DN tiếp tục thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).
Phương án 2: DN tiếp tục thực hiện phương án "1 cung đường 2 địa điểm” hoặc phương án "1 cung đường 2 địa điểm" mở rộng (DN tổ chức cho người lao động chỉ lưu thông trên 1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung).
Phương án 3: DN có thể kết hợp cả 2 phương án sản xuất theo mô hình sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm”.
Phương án 4: DN tổ chức hoạt động theo phương châm "4 xanh" gồm: nhân lực xanh (người lao động xanh), cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh . Trong đó, người lao động xanh được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa nơi làm việc xanh, nơi ở xanh theo một cung đường xanh nhưng không được dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao trong các khung giờ phù hợp.
Trên cơ sở 4 phương án sản xuất an toàn đã ban hành, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Công Thương TP nhanh chóng hướng dẫn quy trình để các DN tổ chức thực hiện gắn với ký cam kết, nhanh chóng hình thành những “vùng xanh” trong DN. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ các khoản tăng thêm mà DN phải chi trả khi thực hiện một trong 4 phương án sản xuất an toàn trên.
Sau hơn một tháng triển khai thực hiện theo phương án sản xuất “3 tại chỗ”, nhiều DN tại TP. Hồ Chí Minh đã tạm ngừng sản xuất do gặp nhiều khó khăn, phát sinh khi thực hiện mô hình này. Trong đó, có nhiều DN không thể duy trì được phương án "3 tại chỗ" do phát sinh chi phí cao, quy mô sản xuất chật hẹp, số lượng công nhân đông, đặc biệt gặp rất nhiều rủi ro dẫn đến phát sinh các ổ dịch mới.
Trước đó, trong buổi làm việc với “Tổ Công tác đặc biệt" của Bộ Công Thương về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo các DN tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau hơn 1 tháng thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” tâm lý công nhân đang có diễn biến không muốn ở mãi trong nhà máy hoặc khách sạn. Mặt khác chi phí tăng thêm trong sản xuất “3 tại chỗ” của DN quá cao không thể kéo dài. Do đó, các DN đều kiến nghị, đề nghị được cơ quan chức năng cho phép thay đổi hình thức hoạt động khác cho mô hình này.
Sau buổi làm việc, Tổ công tác đặc biệt đã tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của DN gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký công văn gửi Bộ Y tế đề xuất giải pháp hỗ trợ DN duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19.