Hàng giả, hàng nhái gia tăng
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất nước nhưng đây cũng là “đại bản doanh” của các loại hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong thời gian qua, công tác kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái là hoạt động thường niên và trọng tâm của lực lượng 389 TP. Hồ Chí Minh, nhưng vẫn chưa đẩy lùi được các loại hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
Ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng QLTT thành phố đã phát hiện 1.418 vụ vi phạm, trong đó có 363 vụ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đã xử lý 1.181 vụ, thu nộp ngân sách 21,7 tỷ đồng; tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá lên đến 13, 2 tỷ đồng.
Theo ông Trương Văn Ba, trong số 363 vụ hàng giả đã bị xử lý, có 251 vụ vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, 1 vụ giả xuất xứ, 6 vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, 97 vụ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang xác minh và 8 vụ vi phạm như buôn bán tem, nhãn, bao bì giả. Hàng giả vi phạm bị tạm giữ 248.094 đơn vị sản phẩm gồm mắt kính, đồng hồ, giày dép, quần áo, mỹ phẩm, trang sức, hàng điện tử, hàng gia dụng, linh kiện điện thoại di động…
Lực lượng QLTT kiểm tra một địa điểm kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu tri tuệ |
Nhằm trấn áp hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, từđầu năm đến nay, Tổng Cục QLTT đã phối hợp với cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh thựchiện nhiều đợt kiểm tra, trong đó có hoạt động mua bán thương mại điện tử , theo đó phát hiện nhiều vụ vi phạm và thu giữ số lượng hàng hoá lớn.
Điển hình như vụ chuỗi cửa hàng Ansan Cosmetics kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã kiểm tra, thu giữ 7.678 đơn vị sản phẩm hàng ngoạinhập nhưng không có chứng từ, nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt…
Tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay, đa số hàng hoá tiêu dùng có thương hiệu nổi tiếng đều bị làm giả và khâu sản xuất hàng giả có yếu tố nước ngoài tham gia.Vì vậy công tác điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng, của các doanh nghiệp là không dễ dàng.
Chẳng hạn, mới đây cơ quan chức năng đã xử phạt hai cơ sở kinh doanh phụ tùng xe gắn máy tại địa bàn quận 5, TP. Hồ Chí Minh vì hành vi buôn bán 419 chiếc bugi giả mạo nhãn hiệu bugi NGK củaNhật Bản. Trước đó, lực lượng QLTT tỉnh tỉnh Cà Mau và Gia Lai cũng đã xử lý 3 vụ kinh doanh bugi giả nhãn hiệu NGK của Nhật Bản, thu giữ hàng trăm sản phẩm giả.
Mạnh tay xử lý để đẩy lùi hàng giả
Ông Trần Thanh Kha - Giám đốc NGK Việt Nam - cho biết, tại thị trường Việt Nam bugi NGK bị làm giả chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Thời gian gần đây, NGK Việt Nam phối hợp với Công ty Vina CHG và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý hàng giả, vì vậy hàng giả đã có giảm nhưng chưa triệt tiêu được.
Theo ông Kha, bugi NGK được sản xuất và phân phối tại Việt Nam bởi Tập đoàn NGK Spark Plugs, sản phẩm này đang bị nhiều đối tượng làm giả, lừa gạt người tiêu dùng. Ngoài việc cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm chính hãng, xem cách phân biệt thật giả trước khi mua hàng tại các cửa hàng được uỷ nhiệm kinh doanh của chính hãng.
Ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc Kinh doanh Công ty Thời trang Nón Sơn - cho rằng, để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các mức phạt đối với hàng vi sản xuất, buôn bán hàng giả cần phải tăng lên. Bởi vì làm hàng giả thu tiền tỷ mỗi năm nhưng khi bị phát hiện vi phạm, đối tượng chỉ bị xử lý hành chính dăm ba chục triệu đồng mỗi vụ là không đủ sức răn đe.
Để bảo vệ thương hiệu và giảm mức thiệt hại vì nạn hàng giả, ông Tý cho biết ngoài gia tăng chất lượng, mẫu mã trên từng sản phẩm, dán tem chống giả, truy suất nguồn gốc bằng quét mã QR bằng điện thoại, tại các cửa hàng kinh doanh Nón Sơn người tiêu dùng đều được hướng dẫn cách phân biệt hàng thật với hàng giả qua thông báo, video phát trực tiếp.
Tang vật Bugi NGK giả bị lực lượng QLTT thu giữ |
Ông Trương Văn Ba nhận định, khi dịch bệnh COVID-19 đang dần được kiểm soát, tình hình mua bán hàng hoá đang dần trở lại thì các hoạt động kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc cũng đang diễn biến phức tạp, thậm chí có sự lợi dụng nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội để thúc đẩy các hoạt động này.
Theo ông Ba, từ nay đến cuối năm nhiều ngày lễ, tết nên nhu cầu tiêu thụ hàng hoá lớn, nhưng tình hình vận chuyển, chứa trữ, buôn bán hàng nhập lậu và sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu công nghiệp, cũng sẽ diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng.
Bởi vậy, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT và UBND thành phố về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Theo đó, các Đội QLTT cần rà soát công tác quản lý địa bàn để thực hiện có hiệu quả các kế hoạch công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác và xuất xứ Việt Nam, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên thị trường; trong thương mại điện tử; tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm.
Đặc biệt, lực lượng QLTT thành phố sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch cao điểm tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố trước, trong và sau Tết nguyên đán năm 2021. Đồng thời tiếp tục thực hiện kế hoạch tuyên truyền, triển khai ký cam kết đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không tham gia, không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.