Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủTrương Hòa Bình đã yêu cầu như vậy, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch Covid -19 diễn ra trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và triển khai một số giải pháp cấp bách.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình, phát biểu chỉ đạo tại buổi họp |
Tập trung toàn lực quyết liệt ngăn chặn, kiểm soát dịch Covid-19
Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo một số Bộ ngành liên quan, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, các Sở ngành, đơn vị, các quận huyện, TP. Thủ Đức và các thành viên của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết, từ ngày 27/4 đến nay, TP. Hồ Chí Minh xuất hiện 4 chuỗi lây nhiễm và đáng lo ngại nhất là chuỗi lây nhiễm từ nhóm truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp với 200 trường hợp nhiễm bệnh phân bổ trên địa bàn 20/22 quận huyện của TP.
Hiện nay, dịch bệnh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm mới, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nguồn lây nhiễm chưa xác định được. Do Đó, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục quyết liệt trong công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch, đồng thời thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn ra trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và triển khai một số giải pháp cấp bách |
Nhằm đảm bảo an toàn Covid-19 trong các KCN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP. Hồ Chí Minh giao Chủ tịch UBND các quận huyện, TP. Thủ Đức cùng với Ban quản lý KCX - KCN, KCNC của TP ký cam kết với các chủ cơ sở sản xuất về tuân thủ quy định phòng, chống dịch theo Bộ tiêu chí an toàn trên từng lĩnh vực. Còn đối với DN ngoài KCX, KCN, KCNC, Chủ tịch UBND các quận huyện phải ký bản cam kết với công đoàn nơi đó cùng chủ DN. Nếu cơ sở nào không đảm bảo an toàn, kiên quyết dừng hoạt động.
Nhấn mạnh giải pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh lâu dài là đảm bảo độ bao phủ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân nhưng hiện nay số lượng vắc xin cung ứng cho TP còn hạn chế, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ sớm có cơ chế giao Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vắc xin (đàm phán, cấp phép), kiểm định và quyết định loại vắc xin được phép tiêm cho người dân, còn kinh phí và nguồn thanh toán giao cho TP để có thể chủ động cung ứng vắc xin cho người dân TP.
TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai gói hỗ trợ thứ 2 cho doanh nghiệp và người lao động bị mất việc làm trên địa bàn TP gặp khó khăn vì Covid-19 để duy trì thực hiện “Mục tiêu kép” và chính sách an sinh xã hội hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp, đánh giá cao các giải pháp TP. Hồ Chí Minh đã triển khai hiệu quả, kịp thời để phát hiện, khoanh vùng và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, nguy cơ xâm nhập nguồn bệnh trong KCN là rất lớn. Hiện một số ca bệnh đã xuất hiện trong KCN, do đó TP. Hồ Chí Minh cần xác định đây là thời điểm phải can thiệp mạnh, quyết liệt hơn, thực hiện giãn cách xã hội nghiêm hơn ở một số địa bàn, đảm bảo việc sản xuất nhưng tăng tốc về năng lực y tế mới có thể dập dịch triệt để…
Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống dịch bệnh
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá rất cao TP. Hồ Chí Minh trong việc chủ động, quyết liệt thực hiện các biện pháp để phòng chống dịch Covid-19 nói chung và thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá rất cao TP. Hồ Chí Minh mà đầu mối là Sở Công Thương, đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của các cấp các ngành, trong đó có ý kiến của Bộ Công Thương với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”… Từ đó, đã xây dựng được kế hoạch đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, các hệ thống phân phôi trên địa bàn TP có kế hoạch tăng cương phương án dự trữ hàng hóa tăng từ 2 đến 3 lần góp phần đảm bảo nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho nhân dân trên địa bàn TP.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống dịch bệnh cho TP. Hồ Chí Minh |
Về cung ứng hàng hóa, đối với tình hình hiện nay, Thứ Trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh để trong tình huống xấu nhất, Bộ Công Thương sẽ phối hợp các địa phương lân cận với các DN đầu mối trong lĩnh vực cung ứng hàng hóa thiết yếu, đảm bảo cung ứng thực phẩm thiết yếu không thiếu, nhất đối với người dân trên địa bàn TP.
“Nếu trong trường hợp có giãn cách như các trường hợp vừa qua TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện ở quận Gò Vấp, đề nghị TP thông qua Sở Công Thương thông báo đến với các DN đầu mối, nhà phân phối chủ động có kế hoạch đưa trước các mặt hàng thiết yếu đến vùng mà TP sẽ giãn cách, để tránh trường hợp DN gặp khó khăn khi thực hiện giãn cách” - Thứ Trưởng Bộ Công Thương kiến nghị.
Hiện nay, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu thiết yếu về lương thực thực phẩm các mặt hàng thiết yếu cho người dân. 70% còn lại chính là ở các chợ đầu mối trên địa bàn TP và chợ đầu mối đang giữ vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị, TP. Hồ Chí Minh phải hết sức quan tâm trong phòng chống dịch ở những khu này.
Liên quan phòng chống dịch Covid-19 tại các KCN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đồng ý với quan điểm của Bộ Y tế về cấp độ thực hiện, mức độ khác nhau trong phòng chống dịch tại khu vực này. Từ thực tế tham gia đoàn khảo sát các DN tại KCX Tân Thuận ngày 31/5/2021, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần quan tâm hơn nữa đến các KCN khác trên địa bàn, đặc biệt là các KCN của DN Việt Nam và các DN vừa và nhỏ, chắc chắn họ không có nhều điều kiện như các DN có vốn đầu tư nước ngoài trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch…
“Cần ưu tiên tiêm vắc xin cho các công nhân, những người làm việc trong các KCN, KCX. Chúng tôi cũng đề nghị giống như ngoài Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh cần phải làm việc với các DN sản xuất công nghiệp lớn, yêu cầu các DN phát huy trách nhiệm đối với xã hội, đối với người lao động, huy động nguồn lực từ quỹ phúc lợi của DN để tiêm vắc xin cho công nhân” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị.
Doanh nghiệp phải đánh giá được nguy cơ lây nhiễm dịch từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua, tuy nhiên, việc để xảy ra lây nhiễm từ nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là một bài học sâu sắc trong công tác chống dịch.
Đặc biệt, trên cơ sở các ý kiến, đề xuất của TP. Hồ Chí Minh, các Bộ ngành, đơn vị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ ngành tiếp thu các ý kiến để khẩn trương có biện pháp giải quyết theo thẩm quyền từng lĩnh vực. Tuy nhiên, tinh thần là phân cấp mạnh mẽ để TP chủ động xử lý phù hợp với thực tế tình hình.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 ở KCX Tân Thuận |
Phó Thủ tướng yêu cầu TP. Hồ Chí Min cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung, chủ động để ngăn chặn và xử lý dứt điểm các ổ dịch lớn trên địa bàn trong thời gian 1-2 tuần tới; Tiếp tục phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nêu cao tinh thần đề cao cảnh giác với dịch bệnh trong mọi hoạt động.
Đối với các KCN, KCX, KCNC, TP rà soát, bổ sung các Bộ tiêu chí an toàn trên từng lĩnh vực để áp dụng vào thực tế. Các DN tuyệt đối không được lơ là, phải thường xuyên cập nhật, rà soát, bổ sung các hướng dẫn phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng. Đồng thời đánh giá được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tới từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất, qua đó chủ động các phương án chống dịch để không bị động.
Phó thủ tướng lưu ý, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện “Mục tiêu kép”, duy trì tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh, TP cần tính toán kỹ lưỡng các giải pháp để không bị giảm sâu ở khu vực sản xuất.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.