Đây cũng là đề xuất của nhiều doanh nghiệp (DN) tại Chương trình tọa đàm trực tuyến (Cà phê doanh nhân HUBA) do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức với chủ đề “Kế hoạch phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn bình thường mới” vào ngày 25/9.
TP. Hồ Chí Minh dự kiến tháo gỡ các chốt chặn, hàng rào chắn trước 01/10 |
Có thể nói trong suốt thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch với nhiều cấp độ khác nhau tại TP. Hồ Chí Minh gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho các DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân - Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh, tính liên kết vùng đang bị đứt gãy khi các phương tiện chở hàng hóa, nguyên vật liệu đang khó khăn trong di chuyển bởi các rào chắn, chốt chặn. Việc thành phố xem xét gỡ bỏ các chốt kiểm soát là tín hiệu mừng với các DN.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cà phê NAPOLI cho rằng nên tạo điều kiện cho những ai đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được phép đi lại để tham gia lao động sản xuất kinh doanh khi thành phố mở cửa trở lại, đồng thời tạo sự thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nguyên liệu trong nội thành lẫn liên tỉnh.
Tại buổi toạ đàm, nhiều DN đề xuất thành phố cần sớm tháo gỡ các rào chắn trong nội thành chia tách các phường, quận và các rào chắn ngăn các con hẻm trong các khu dân cư cũng như bỏ giấy đi đường khi thành phố bước vào giai đoạn "bình thường mới".
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch HUBA cho biết: Các DN đang rất trông chờ được nắm bắt chính xác kịch bản về lộ trình khôi phục kinh tế của thành phố để chuẩn bị tâm thế, điều kiện tham gia tích cực ngay từ đầu. Tương lai sẽ không còn loại giấy nào liên quan xét nghiệm nữa mà tích hợp trong ứng dụng. Hiện thành phố đang triển khai thí điểm cho shipper tự xét nghiệm Covid-19. Kết quả được cập nhật trên ứng dụng, tài xế tự chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm này khi hoạt động.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho hay dù chưa chốt phương án cuối cùng về kế hoạch sắp tới của thành phố song quan điểm là kiểm soát điểm đi và điểm đến, không kiểm soát trên đường. Do đó, các rào chắn cứng sẽ bỏ, thay vào đó sẽ xử lý khi kiểm tra ngẫu nhiên, ví dụ khi vào siêu thị, nhà hàng nếu phát hiện vi phạm sẽ phạt cả cá nhân và chủ DN, hoặc ở nhà máy không làm đúng theo các tiêu chí sẽ phạt người lao động và chủ nhà máy.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh thông tin, phiên họp ngày 24/9 với sự tham gia của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã đề cập việc từ nay đến hết ngày 30/9, thành phố sẽ xem xét tháo gỡ các chốt chặn, rào chắn. Song ở những cửa ngõ thành phố vẫn còn các chốt chặn, để đảm bảo sự an toàn chung cho cả Vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam. Đây có thể xem là tín hiệu tốt để thành phố sớm vượt qua giai đoạn khó khăn sau thời gian giãn cách kéo dài.
Trước đó, khi thực hiện nghiêm giãn cách theo nguyên tắc "ai ở đâu yên đó" từ ngày 23/8, TP. Hồ Chí Minh đã lập hơn 900 hàng rào, chốt chặn tại các tuyến đường, tuyến hẻm để thuận tiện kiểm soát, bảo vệ các "vùng xanh". Các chốt kiểm soát có lực lượng chức năng túc trực 24/24, một số nơi lập hàng rào cứng.
Có thể nói, yêu cầu mở cửa lại nền kinh tế, nới lỏng các điều kiện giãn cách là vấn đề tất yếu đối với TP. Hồ Chí Minh khi sức chịu đựng của người dân và DN đã vượt ngưỡng. Trong bối cảnh đó, với nhiều giải pháp đồng bộ đang triển khai, TP. Hồ Chí Minh vừa nỗ lực kiểm soát dịch vừa củng cố nền tảng vững chắc cho cuộc sống “bình thường mới” trong môi trường vẫn còn Covid-19, thích nghi không chỉ trong thời gian ngắn mà cả lâu dài.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)