Tiêu thụ năng lượng bền vững – đường đến tương lai Thành phố Hồ Chí Minh: Phấn đấu tiết kiệm ít nhất 10% điện năng |
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề trên, Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM).
Ông có đánh giá như thế nào về tình hình sử dụng năng lượng tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay?
Như chúng ta đã biết, thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất cả nước và là đầu tàu về phát triển kinh tế của cả nước. Để duy trì thì đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế thì vấn đề an ninh năng lượng là trọng tâm của TP. Hồ Chí Minh, ưu tiên đáp ứng nhu cầu năng lượng rất lớn cho các thành phần kinh tế như ngành công nghiệp - xây dựng, dân dựng, giao thông vận tải và dịch vụ.
Ông Mã Khai Hiền nhận định TP.Hồ Chí Minh và ngành điện đã có cơ sở hạ tầng kỹ thuật cung cấp và quản lý điện năng khá tốt. |
Chỉ tính riêng năng lượng điện bình quân mỗi năm thành phố tiêu thụ khoảng 25 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 10% so với cả nước. Trong đó, theo danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2021 thì trên địa TP. Hồ Chí Minh có đến 286 doanh nghiệp nằm trong danh sách này bao gồm 160 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, 122 công trình xây dựng và 04 doanh nghiệp giao thông vận tải.
Với nhu cầu tiêu thụ năng lượng lớn như vậy, trong khi nguồn năng lượng cung cấp cho cả nước luôn đứng trước nguy cơ bị thiếu hụt. Để đáp ứng yêu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội, TP. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững và các mục tiêu đề ra.
Cụ thể, Thành phố đã ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện các quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tập trung công tác đào tạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhằm đảm bảo thực hiện đúng các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ban hành kế hoạch về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2025 và 2026- 2030 trên địa bàn thành phố.
Theo đánh giá của tôi, TP.Hồ Chí Minh cũng như ngành điện hiện có hạ tầng kỹ thuật tương tốt trong công tác cung cấp và quản lý điện năng như Trung tâm GIS, SCADA, hệ thống giám sát, theo dõi tiêu thụ năng lượng từ xa đến từ hộ gia đình, v.v
TP. Hồ Chí Minh khuyến khích các khách hàng đầu tư hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời |
Thành phố cũng đã thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền và nâng cao năng lực liên quan đến năng lượng và hoạt động tiết kiệm năng lượng như là: thường xuyên tổ chức các khoá tập huấn cho hộ gia đình và doanh nghiệp, tổ chức hội nghị triển lãm về tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và năng lượng xanh, v.v.
Năm 2021, toàn thành phố đã tiết kiệm được gần 584 triệu kWh, chiếm 2,26% sản lượng điện thương phẩm, góp phần giảm được gần 440 nghìn tấn CO2 phát thải ra môi trường. Năm 2022, ngành điện phấn đấu đạt mức tiết kiệm điện tối thiểu ≥ 2% tổng sản lượng điện thương phẩm.
TP. Hồ Chí Minh cũng đã có chính sách khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch. Tổng công suất năng lượng tái tạo trên địa bàn tính đến thời điểm hiện nay là 35,4 MW, so với nhu cầu phụ tải lớn nhất toàn thành phố là 3.575 MW.
Vậy đâu là những tồn tại mà thành phố cần cần khắc phục thưa ông?
Cũng giống như các đô thị lớn trên thế giới, TP. Hồ Chí Minh hiện cũng đang gặp các vấn đề về phát triển đô thị như là tăng trưởng dân số nhanh, nhu cầu năng lượng luôn tăng cao, ô nhiễm, suy thoái môi trường ùn tắc giao thông, dịch vụ kém hiệu quả … đã làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và năng lượng của địa phương.
Thêm vào đó, TP. Hồ Chí Minh không có điều kiện, địa hình phù hợp để phát triển các nguồn năng lượng truyền thống như: thủy điện, nhiệt điện, hay mô hình năng lượng tái tạo kiểu tập trung như trang trại điện gió, điện mặt trời, v.v
Trong khi đó, đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo phi tập trung, thành phố phát triển còn chậm so với quy mô, chủ yếu phát triển là máy nước nóng năng lượng mặt trời. Nguồn phát điện từ năng lượng mặt trời còn chưa đáng kể, do giá thành đầu tư cao, trong khi giá bán điện chưa được nhà nước hỗ trợ.
Những tồn tại trên cũng làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển liên quan đến năng lượng của thành phố trong đó hay đề cập đến đô thị thông minh, đô thị 4.0, thành phố thông minh, v.v.
Vì thế phát triển về năng lượng và hướng đi TP. Hồ Chí Minh nên lựa chọn phù hợp để giải quyết các vấn đề nêu trên và đồng thời tập trung nhiều vào các hoạt động quản lý và giảm nhu cầu thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và triển khai thúc đẩy Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trên địa bàn thành phố mà thành phố đang triển khai.
Mặc dù là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, tuy nhiên năm 2021 mới kiểm toán năng lượng được 91 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; xây dựng mô hình quản lý năng lượng được 17 cơ sở; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng cho 11 cơ sở; 12 toà nhà được đánh giá hiệu quả năng lượng, với số lượng các doanh nghiệp còn thấp như vậy nguyên nhân một phần là do đại dịch Covid-19 nên thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội trong năm 2021, …
Để đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đáp ứng tăng trưởng xanh, theo ông TP. Hồ Chí Minh nên có những bước đi như thế nào thưa ông?
Trước hết, chúng ta cần cơ chế, chính sách hỗ trợ trong những năm tới nhằm đáp ứng mục tiêu năng lượng xanh từng bước thay thế năng lượng hoá thạch theo hướng bền vững nhất.
Tiếp theo là thành phố phải đồng bộ, tích hợp phát triển năng lượng với phát triển đô thị để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, phù hợp cho thành phố. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng cần tính toán kỹ lưỡng lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trên địa bàn thành phố.
Thử nghiệm mô hình DPPA – Chế mua bán bán điện trực tiếp cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để thúc đẩy các doanh nghiệp của thành phố có thể ký kết mua nguồn điện sạch, ít phát thải từ các trang trại gió, trang trại mặt trời; Thúc đẩy ứng dụng năng lượng sạch phi tập trung như mái nhà điện trời hộ gia đình, v.v
Thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch tận dụng lợi thế của địa phương |
Kết quả khảo sát, đánh giá về tính tuân thủ của các doanh nghiệp với việc kiểm toán năng lượng trong năm 2021 cho thấy, việc xây dựng và duy trì hệ thống quản lý năng lượng chỉ ở mức 30-40%, đây là mức thấp, chưa cao. Do vậy, cần thúc đẩy hoạt động kỹ trợ kỹ thuật như tiết kiệm năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Qua đó, giúp doanh nghiệp xây dựng được kế hoạch tiết kiệm năng lượng và triển khai thực hiện.
Bên cạnh duy trì hoạt động truyền thông và nâng cao năng lượng cho hộ gia đình, cũng công tác giám sát phù hợp các doanh nghiệp sử dụng năng lượng nhằm thúc đẩy thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Cuối cùng là thúc đẩy hỗ trợ tài chính, thành phố cần có sự kết hợp của nhiều nguồn lực từ ngân sách của thành phố, các tổ chức tài trợ cũng như huy động lĩnh vực kinh tế tư nhân, cải thiện tính tiếp cận của các hoạt động đầu tư triển khai các dự án hiệu quả năng lượng trên địa bàn thành phố