Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, phát hiện 21.180 vụ vi phạm. Trong số vụ vi phạm, có 1.900 vụ về hàng cấm, hàng nhập lậu; 348 vụ hàng giả và 18.920 vụ về gian lận thương mại. Trong 21.180 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng lậu cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 58 vụ vi phạm.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh kiểm tra chuyên ngành và liên ngành 13.618 vụ, tăng 3.058 vụ so với cùng kỳ năm trước, trong đó phát hiện 2.776 vụ vi phạm trong 6 tháng đầu năm 2019. Chỉ tính riêng hoạt động kiểm tra chuyên ngành, các đội QLTT đã phát hiện 2.318 vụ vi phạm, đã xử phạt 2.352 vụ, số tiền nộp ngân sách hơn 49 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tiêu hủy 31,7 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chờ bán hơn 70,4 tỷ đồng.
Vành xe máy giả bị QLTT TP. Hồ Chí Minh thu giữ và tiêu hủy |
Hàng nhập lậu, hàng giả đứng đầu với 866 vụ vi phạm, đã tạm giữ 59.748kg thực phẩm, vải, tân dược, dược liệu, quần áo; hơn 1,1 triệu đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, mắt kính, đồ chơi trẻ em, đồng hồ… Hàng hóa không rõ xuất xứ nguồn gốc 250 vụ vi phạm; 336 vụ giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, giả xuất xứ, đã tạm giữ 449.826 đơn vị sản phẩm giày dép, quần áo, mắt kính, ví, túi xách của các nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Lacoste, Nike, Chanel… Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Hải quan thành phố cũng đã xử lý 595 vụ vi phạm, tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 994,7 tỷ đồng.
Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh - đánh giá, tình hình vận chuyển, buôn bán, chứa trữ hàng nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và tác động không tốt đến nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.
Theo ông Nguyễn Văn Bách - quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - các loại hàng hóa nhập lậu kinh doanh, chứa trữ trên địa bàn thành phố thường được các đối tượng vận chuyển qua đường biển, đường hàng không, đường bộ và đường sắt sau đó chứa trữ tại các kho bãi lớn và phân phối đi các thị trường. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi, không theo thời gian cụ thể đã gây khó khăn cho công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, thời gian qua Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều đợt truy quét hàng giả với quy mô lớn tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, các điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và tịch thu được số lượng lớn hàng hóa vi phạm.
Đơn cử, vào trung tuần tháng 7/2019, Cục QLTT thành phố đã kiểm tra 34 vụ tại chợ Bến Thành và 10 vụ tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square. Kết quả, 6 đội QLTT đã tạm giữ 1.834 đơn vị sản phẩm đồng hồ, bút, giày dép, quần áo, túi xách, bóp, ví, dây nịt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Mont Blanc, Hermes… Hàng hóa bị tạm giữ không có hóa đơn chứng từ, tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 256 triệu đồng.
Từ nay đến cuối năm, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng mạnh, nhất là dịp lễ tết, vì thế tình trạng vận chuyển, chứa trữ, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ sẽ gia tăng và tiếp tục diễn biến phức tạp.
Đồng hồ giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới bị QLTT TP. Hồ Chí Minh thu giữ và tiêu hủy |
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo các cơ quan chức năng cần phải thực hiện nghiêm túc những quy định pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 thành phố về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn và xử lý nghiệm những hành vi vi phạm.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND TP. Hồ Chí Minh, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã lập kế hoạch tăng cường kiểm soát hàng nhập khẩu; truy nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, kiểm tra kỹ các lô hàng thuộc diện tạm nhập tái xuất. Lãnh đạo Cục Hải quan thành phố còn yêu cầu các đơn vị theo dõi những biến động bất thường trong hoạt động xuất khẩu để có biện pháp kiểm tra thực tế hàng hóa, kiểm tra sau thông quan, xác minh, xử lý đối với hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa. Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch cao điểm tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường về hàng vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; gian lận thương mại trên địa bàn thành phố trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2020. Đồng thời xây dựng, thực hiện kế hoạch triển khai ký cam kết đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm kiểu dáng công nghiệp, gian lận thương mại.