4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao
Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, 4 tháng năm 2021, các ngành, lĩnh vực kinh tế của TP. Hồ Chí Minh có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc và tăng trưởng mạnh mẽ, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và thu chi ngân sách tháng 4, 4 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 5/2021, do UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiều ngày 11/5, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất của 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 11,7% so với cùng kỳ năm truớc, tăng hơn 2% so với chỉ số sản xuất chung của ngành công nghiệp. Trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 27,7%; ngành cơ khí tăng 17,5%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống tăng 7,4%; ngành hóa dược tăng 2,4%.
Sự hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ của công nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong 4 tháng đầu năm 2021 kéo theo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố 4 tháng đầu năm đạt 15,47 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của khu công nghệ cao đạt 6,47 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ.
Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn 4 tháng đạt 19,95 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng tiếp tục phục hồi và phát triển.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2020 |
Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Thành Phong, việc triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND TP. Hồ Chí Minh về thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đã góp phần đảm bảo cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố trong 4 tháng năm 2021 có nhiều chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc và tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, doanh nghiệp (DN) có niềm tin vào chính quyền để tiếp tục đầu tư, nắm bắt thị trường, khôi phục sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn.
“Trong điều kiện dịch bệnh nhưng hầu hết các ngành đều có chỉ số tăng, trong đó chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2020, đó là một điều đáng mừng. Điều đó càng thấy trách nhiệm của chúng ta trong công tác phòng chống Covid-19, nếu không sẽ làm gãy đổ các thành quả trong công cuộc phát triển kinh tế thành phố ”- Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.
Phòng chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu
Nhằm phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch năm 2021 đã đề ra, trong đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trường tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (GRDP) từ 6% trở lên, trong tháng 5 và những tháng còn lại của năm 2021, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, tập trung thực hiện mục tiêu vừa phát triển kinh tế - xã hội ổn đinh, vừa chống dịch hiệu quả.
Theo người đứng đầu chính quyền TP. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn hiện nay, phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Thành phố cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chuyển từ phòng ngự sang tấn công, tấn công là chính”, thành phố không thể thụ động mà cần có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ để chống dịch Covid -19.
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh khẩn trương kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời thực hiện nghiêm các Bộ chỉ số an toàn với dịch bệnh ở mức độ cao nhất. Đặc biệt, các khu chế xuất, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất luôn chuẩn bị sẵn sàng phương án để xử lý tình huống khi có 1 hoặc nhiều ca nhiễm. Nếu cơ sở nào không đảm bảo được phương án phòng, chống dịch hiệu quả thì tạm thời ngừng hoạt động.
Đối với các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống yêu cầu phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và tuân thủ nghiêm các quy định của thành phố trong tình hình dịch bệnh như hiện nay không phục vụ quá 30 người.
Tại cuộc họp, Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng các phương án đảm bảo năng lực ứng phó cho tình huống dịch lan rộng, triển khai thêm các khu cách ly tập trung nâng tổng công suất toàn thành phố lên 10.000 giường bệnh; sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50 - 100 và 200 - 500 người nhiễm bệnh…
Ngoài nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong phòng chống dịch, TP. Hồ Chí Minh cần triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế thành phố. Đặc biệt, triển khai gói hồ trợ DN lần 2 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tăng cường rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh và đầu tư, trên tất cả các bình diện. Qua đó, góp phần hỗ trợ thiết thực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN, nhất là DN nhỏ và vừa.
Đồng thời, thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ, thương mại điện tử, chuyển đổi số… Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nên tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số.