TP. Hà Tĩnh: Phấn đấu trở thành đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ
Nhiều mục tiêu đến năm 2030
Năm 2030, TP. Hà Tĩnh xác định sẽ trở thành đô thị cấp vùng và là đô thị hạt nhân tạo động lực phát triển của tỉnh.
TP. Hà Tĩnh là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh, có diện tích tự nhiên 56,55km2, gồm 15 đơn vị hành chính (10 phường, 5 xã), dân số thường trú khoảng 109,7 nghìn người, dân số vãng lai hơn 100 nghìn người. Đồng hành với sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua, TP. Hà Tĩnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Điểm nổi bật của thành phố đó là phối hợp thu hút, kêu gọi triển khai các dự án trên địa bàn, có 77 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư hơn 14.154 tỷ đồng. Các dự án đầu tư công đang triển khai gồm Dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh” vốn vay ADB, gần 3.300 tỉ đồng. Dự án đường vành đai phía Đông (950 tỷ đồng), Dự án đường Xuân Diệu kéo dài (234 tỷ đồng). Thành phố cũng tập trung đầu tư các hạ tầng trọng điểm, xử lý các bất cập về giao thông; nâng cấp hệ thống thoát nước khu vực trung tâm thành phố; trồng mới hơn 90.000 cây xanh. Tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch chất lượng cao trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố và liên kết vùng. Phối hợp xúc tiến, đề xuất hình thành Trung tâm Logistics; thí điểm Khu phố chuyên doanh ẩm thực phường Nguyễn Du; bước đầu hình thành chuỗi cửa hàng Thành Sen Mart trên địa bàn... Đây là yếu tố quan trọng tạo nên sự thay đổi toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, góp phần củng cố, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố.
Trung tâm TP. Hà Tình |
Trong lộ trình phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ của TP. Hà Tĩnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. TP. Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn đô thị loại II vào tháng 2/2019, nhưng đến nay, các tiêu chí về diện tích, dân số, mật độ dân số, thu nhập bình quân đầu người vẫn chưa đạt. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh còn hạn chế; tốc độ tăng trưởng kinh tế đô thị còn thấp. Đặc biệt, TP. Hà Tĩnh chưa có khu công nghiệp, khu kinh tế và ngành sản phẩm chủ lực; số lượng doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ… Những yếu tố này khiến cho việc phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hà Tĩnh gặp không ít khó khăn. Theo tham chiếu của ngành chuyên môn, với quy mô này. TP. Hà Tĩnh đang là đô thị trung tâm tỉnh lỵ nhỏ nhất so với các địa phương lân cận trong tỉnh và trong vùng Bắc Trung Bộ.
Với mục tiêu xây dựng và phát triển TP. Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 như đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 931/QĐ-UBND ngày 5/5/2022. Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 9,81%, thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng. Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - Xây dựng tiếp tục đà phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 6,95%/năm; công tác chỉnh trang đô thị trên các lĩnh vực được quan tâm thực hiện: Mở rộng không gian giao thông trước các trường học, khu vực công cộng, khu vực thường xuyên ách tắc; hoàn thành sữa chữa, nâng cấp, chỉnh trang đài tưởng niệm liệt sỹ tại các địa phương; chỉnh trang, làm mới hệ thống chiếu sáng một số tuyến đường, trang trí đèn LED tại khu vực đường Nguyễn Tất Thành, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh; trang trí hoa, cây xanh tại các khu vực công cộng và trung tâm đô thị. Tiếp tục phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại. Hạ tầng thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, mở rộng theo hướng văn minh, hiện đại. Tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch chất lượng cao trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố và liên kết vùng
Sẽ mở rộng thành phố theo 3 hướng
Theo đó, dự kiến phương án mở rộng thành phố sẽ theo 3 hướng, hướng Tây: Mở rộng đô thị vượt qua đường tránh quốc lộ 1, kết nối với khu công nghiệp và đầu mối giao thông cao tốc quốc gia (đường bộ, đường sắt), phát triển những khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ; hướng Nam: Mở rộng đô thị kết nối với các khu phát triển hỗn hợp, khai thác cảnh quan hai bên sông Rào Cái, Đại học Hà Tĩnh, khu đào tạo - nghiên cứu và sản xuất; hướng Đông: Mở rộng đô thị vượt sông Rào Cái về phía biển Đông để phát triển kinh tế biển, phát triển đô thị và nông nghiệp công nghệ cao kết nối với chuỗi đô thị ven biển của tỉnh.
Các phương án đảm bảo các yếu tố động lực phát triển bền vững cho thành phố, hình thành trọn vẹn không gian theo cả 2 trục Bắc - Nam, Đông - Tây (hiện nay chỉ Bắc - Nam); phát triển sản xuất, hình thành cụm công nghiệp kết hợp trung tâm logistics; kết nối với các khu đào tạo, nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của tỉnh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào kỹ năng và đổi mới sáng tạo; phát triển đô thị sang phía Đông để mở rộng không gian hướng ra biển. Đưa Hà Tĩnh trở thành đô thị cấp vùng và là đô thị hạt nhân tạo động lực phát triển của tỉnh.