Kiểm soát dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, TP. Hà Giang đã làm tốt công tác kiểm soát, ngăn chặn, khống chế dịch bệnh Covid-19. Kinh tế xã hội ổn định, thu ngân sách thuộc nhiệm vụ của thành phố đảm bảo kế hoạch. Hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ dù có sụt giảm nhưng vẫn duy trì và ổn định; sản xuất nông nghiệp đảm bảo đúng khung thời vụ; giáo dục, xã hội, văn hoá được chú trọng và triển khai thực hiện tốt…
Cụ thể, thành phố đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian ngắn đã chuyển từ cấp độ 4 vùng đỏ - nguy cơ rất cao xuống cấp độ 1 có nguy cơ thấp – vùng xanh. Đồng thời, thực hiện nghiêm các giải pháp khống chế dịch, đảm bảo thích ứng linh hoạt, phòng chống dịch bệnh trong thực hiện mục tiêu kép.
Việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã tạo đà cho kinh tế thành phố có nhiều khởi sắc. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội cơ bản đảm bảo tiến độ kế hoạch. Một số chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 100% kế hoạch năm.
Đơn cử, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ năm 2021 ước đạt 4.408 tỷ đồng, bằng 100,18% so với kế hoạch năm, tăng 10,94% so với năm trước. Mặc dù bị tác động do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, song các hoạt động thương mại dịch vụ vẫn được duy trì, dặc biệt là hàng hoá thiết yếu, thiết bị y dược đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.
Trong năm, thành phố đã hoàn thành chuyển đổi mô hình, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ Phương Thiện, Phương Độ; triển khai Phương án chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý các chợ Ngọc Hà, Minh Khai, Cầu Trắng; thực hiện giải toả, sắp xếp lại vị trí kinh doanh trước cổng chợ Trung tâm. Đồng thời, triển khai hỗ trợ xây dựng thương hiệu “Na núi đá” thành phố Hà Giang, bố trí địa điểm cho nhân dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Đăng ký xây dựng Website kết nối với sàn giao dịch thương mại điện tử cho 3 doanh nghiệp của tỉnh; hướng dẫn 73 cơ sở sản xuất cấp mã truy xuất nguồn gốc hàng hoá.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi trên cả nước, hoạt động du lịch năm 2021 của thành phố bị ảnh hưởng lớn. Lượng khách tham quan du lịch cả năm ước đạt 83.071 lượt khách, doanh thu ước đạt 58,1 tỷ đồng, giảm 128,7 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn song giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp vẫn ước đạt khoảng 898,9 tỷ đồng, tăng 8,72% so với năm trước. Hoạt động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp các cơ sở thuộc lĩnh vực sản xuất mộc, cơ khí, vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ, chế biến thực phẩm hoạt động tương đối đều, đáp ứng nhu cầu nhân dân trên địa bàn và các vùng lân cận.
Thành phố cũng hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng nhiều công trình như: Mở rộng, nâng cấp Quảng trường 26/3; Nâng cấp, mở rộng đường từ thôn Châng đi thôn Cao Bành. Đồng thời khởi công các công trình như: Dự án đường Phùng Hưng; Cải tạo, sửa chữa, khắc phục khẩn cấp đường Lý Tự Trọng; Đường từ thôi Gia Vài đến trung tâm xã Phương Thiện…
Ngoài ra, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản thực hiện 317,43 tỷ đồng, tăng 3,89% so với cùng kỳ.
Năm 2021 đánh dấu một năm khó khăn cho công tác thu hút đầu tư, song thành phố đã phối hợp với các sở ngành hoàn thiện các thủ tục và khởi công Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái núi Mỏ Neo. Đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án Khách sạn Yên Biên, khu đô thị mới Hà Sơn, Trung tâm thương mại, khách sạn và nhà ở thương mại shop-house phường Trần Phú… Trong cả năm, huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 3.147,4 tỷ đồng, đạt 104,91% kế hoạch năm, tăng 6,8% so với năm trước.
Nhiều mục tiêu cho năm 2022
Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn có tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, giá cả một số mặt hàng, nguyên vật liệu tăng cao cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Các loại hình dịch vụ, thương mại gặp nhiều khó khăn để phục hồi sau dịch và làm giảm doanh thu, thu nhập của các đối tượng nộp thuế, ảnh hưởng đến hoạt động thu chi ngân sách.
Tuy nhiên, bên cạnh thách thức, tình hình kinh tế xã hội địa phương cũng có nhiều cơ hội. Đó là sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của Thành uỷ, giám sát chặt chẽ của HĐND thành phố, sự phối hợp tích cực của UB MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội. Việc triển khai thức hiện các quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ là đòn bẩy để phát triển kinh tế… Thành phố cũng đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thu hút đầu tư và tạo thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp.
Trước những khó khăn thách thức đan xen, TP. Hà Giang đặt mục tiêu triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo phương châm “Đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát, quyết liệt, hiệu quả”. Tiếp tục phòng chống dịch bệnh gắn với phục hồi và phát triển kinh tế, giữ vững ổn định xã hội.
Với vị thế là trung tâm kinh tế của tỉnh, trên chặng đường hội nhập và phát triển TP. Hà Giang luôn xác định phát triển thương mại là ngành kinh tế mũi nhọn. Nhờ đó, trong cơ cấu kinh tế thì ngành này chiếm tới trên 76% giá trị, chiếm trên 2/3 giá trị của các ngành khác. Do đó, năm 2022, thành phố phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt 4.900 tỷ đồng; Huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên 3.300 tỷ đồng; Thu hút khách du lịch đến năm 2022 đạt trên 485.726 lượt khách.
Toàn thành phố đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người 70 triệu đồng/người/năm. Phấn đấu để TP. Hà Giang chính là chủ thể tiên phong trên các lĩnh vực, làm động lực, đầu kéo thúc đẩy kinh tế xã hội của các địa phương khác trong tỉnh.