Ngày 5/4, Thường trực Thành ủy Cần Thơ họp với các sở ngành, địa phương nghe báo cáo đề xuất dự án chống ngập, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP. Cần Thơ. Buổi làm việc do ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ chủ trì.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thó, phát biểu tại buổi làm việc. |
Dự án chống ngập, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP. Cần Thơ trên cơ sở phát triển dự án bảo vệ vùng lõi khu vực trung tâm thàng phố (Dự án 3) mở rộng phạm vi chống ngập cho thành phố.
Mục tiêu, nhiệm vụ của dự án này là chống ngập vùng nội ô thành phố, nhằm phát triển đô thị bền vững, tăng cường khả năng thích ứng của đô thị; giảm sự tổn thương do ngập lụt, sạt lở tại trung tâm TP Cần Thơ; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, sạch đẹp; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, có tác dụng lan tỏa lớn, tạo động lực phát triển bền vững cho thành phố.
Cần Thơ đề xuất dự án mới chống ngập, chống sạt lở cho khu vực Ninh Kiều, Bình Thủy (phần màu xanh ngọc). |
Dự án có diện tích chống ngập vùng nội ô thành phố khoảng 2.770 ha (quận Ninh Kiều và Bình Thủy). Thời gian thực hiện dự án, dự kiến trong giai đoạn 2024-2030. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.400 – 4.900 tỉ đồng.
Việc đầu tư dự án có thể tận dụng các cơ sở hạ tầng hiện có trên địa bàn thành phố và các dự án thành phố đã và đang đầu tư để làm vùng bao phía ngoài, giúp giảm chi phí đầu tư, giảm chi phí đền bù, hỗ trợ tái định cư. Cụ thể các tuyến đê bao gồm: Phía Đông có tổng chiều dài 10.120m (trong đó tuyến giáp rạch Khai Luông dài 5.570m và tuyến quốc lộ 91 dài 4.550m), phía Tây có tổng chiều dài 6.700m (giáp tuyến quốc lộ 91B), phía Bắc có tổng chiều dài 6.300m (giáp sông Trà Nóc và đường Nguyễn Viết Xuân), phía Nam có tuyến hẻm 91 (đã đầu tư trong dự án 3).
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh: Thực hiện dự án này trên cơ sở có quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chương trình chống ngập, thích ứng biến đổi khí hậu của thành phố đã được phê duyệt; đề nghị Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện báo cáo dự án, để khi trình cấp có thẩm quyền.
Đồng thời báo cáo đánh giá hiệu quả các dự án chống ngập, biến đổi khí hậu của giai đoạn vừa qua thành phố đã thực hiện; đánh giá thực tế, lấy ý kiến các nhà khoa học, cộng đồng dân cư; làm rõ thêm tính cấp bách, quan trọng của dự án như tình hình ngập, sạt lở, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, những tác động phát triển kinh tế - xã hội; những cơ sở quy hoạch định hướng phát triển thành phố.
Trong những ngày qua trên địa bàn TP. Cần Thơ liên tiếp xảy nhiều vụ sạt lở bờ sông. Cụ thể, vào lúc 6 giờ ngày 3/4/2024, một đoạn bờ sông Trà Nóc qua khu vực 2, phường Trà An, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ đã bị sạt lở với chiều dài 54m, ăn sâu vào bờ hơn 14m, đã làm trên 761,10m² đất sạt lở. Vụ sạt lở đã làm ảnh hưởng 7 căn nhà liền kề nằm ven sông (trong đó có hai dãy nhà trọ, một căn nhà có kết cấu 1 trệt, 1 lầu). Hiện các vết nứt xuất hiện nhiều và có nguy cơ sạt lở thêm. Cùng ngày 3/4/2024, một vụ sạt lở tại kênh Cần Thơ Bé kéo dài 35m, thuộc phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt đã cuốn 3 căn nhà xuống kênh. Địa phương đã cử lực lượng đến giúp người dân di dời đồ đạc đến nơi ở tạm an toàn. Trước đó ngày 2/4/2024, trên tuyến Rạch Chanh (thuộc khu vực Long Thành, phường Long Hưng, quận Ô Môn) cũng xảy ra sạt lở một đoạn dài khoảng 25m. Vụ sạt lở làm ảnh hưởng tuyến đường, khiến lộ bê tông nông thôn có nguy cơ đổ sụp, giao thông đi lại bị ảnh hưởng. |