Người gửi tiền thời điểm này đang có lợi Điều chỉnh lãi suất huy động: Gửi tiết kiệm ngân hàng nào để hưởng lãi suất cao? Lãi suất huy động ồ ạt tăng nóng tại nhiều ngân hàng |
Gửi từ 1-5 tháng lãi suất kịch trần
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm không ngừng tăng kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành cuối tháng 9/2022. Cụ thể, khảo sát tại 35 ngân hàng thương mại trong nước, hầu hết nhà băng đã điều chỉnh tăng mạnh biểu lãi suất huy động áp dụng với khách hàng cá nhân.
Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng có thay đổi lớn nhất trong biểu lãi suất tiền gửi của các ngân hàng. Trước đó, mức lãi tối đa với các kỳ hạn này chỉ là 4%/năm theo trần Ngân hàng nhà nước đưa ra. Tuy nhiên, sau khi cơ quan quản lý tiền tệ nâng mức trần lên 5%/năm, hầu hết nhà băng đã đẩy mức lãi suất này lên kịch trần.
Trên thị trường hiện nay, các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đang được nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) chi trả với mức lãi suất thấp nhất, phổ biến trong khoảng 4,1-4,4%/năm. Tuy vậy, so với biểu lãi suất áp dụng tại chính các ngân hàng này trước đó, các mức lãi suất kể trên đã tăng tới 1 điểm %.
Ngoài nhóm Big 4 kể trên, một số nhà băng tư nhân cũng chưa đẩy lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng lên kịch trần như ACB; DongABank; LienVietPostBank; MBBank; OCB; SHB; Sacombank… Tuy nhiên, mức lãi suất phổ biến cũng dao động trong khoảng 4,4-4,8%/năm, tùy kỳ hạn và chỉ áp dụng với kênh gửi tại quầy.
Trường hợp khách hàng cá nhân gửi qua kênh online, mức lãi suất tại các nhà băng kể trên cũng xấp xỉ trần 5%/năm mà Ngân hành Nhà nước cho phép.
Trong khi đó, hàng loạt ngân hàng thương mại khác như MSB; NamABank; SCB; VietBank; VPBank; VietABank… đều đã tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng lên kịch trần 5%/năm. So với một tháng trước, biểu lãi suất tại nhóm ngân hàng này đã tăng 1-1,5 điểm %.
Không chỉ ghi nhận xu hướng tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, hầu hết kỳ hạn gửi tiền khác cũng được các ngân hàng thương mại tăng mạnh lãi suất đợt này.
Gửi 6 tháng hưởng lãi suất 7%/năm
Đáng chú ý, trong hơn một năm trở lại đây, mức lãi suất tiền gửi 7%/năm chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng thương mại tư nhân cỡ nhỏ, áp dụng cho kỳ hạn gửi 12 tháng trở lên. Thì đến nay, rất nhiều ngân hàng đã chấp nhận chi trả mức lãi suất này với các khoản tiền gửi mang kỳ hạn 6 tháng.
Kienlongbank hiện là ngân hàng trả lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng cao nhất thị trường với 7,3%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi qua kênh online. Nếu gửi tại quầy, mức lãi suất khách hàng nhận được cũng lên tới 7%/năm.
Không chỉ dẫn đầu hệ thống ngân hàng, mức lãi suất kể trên của Kienlongbank thậm chí đã tăng tới 1,6 điểm % so với đầu năm. Trước đó, khách hàng gửi tiền 6 tháng tại Kienlongbank đầu năm chỉ nhận được mức lãi suất 5,6%/năm (kênh quầy) và 5,7%/năm (kênh online).
Hầu hết các nhà băng đã điều chỉnh tăng mạnh biểu lãi suất huy động |
Thực tế, Kienlongbank cũng không phải nhà băng duy nhất đẩy lãi suất tiền gửi 6 tháng lên trên 7%/năm. Hiện tại, CBBank, BacABank, MSB, VietABank, OCB đều đưa ra mức lãi suất tương tự cho kỳ hạn gửi này. Trong đó, CBBank và BacABank niêm yết ở cả tiền gửi tại quầy và online, trong khi nhóm ngân hàng còn lại chỉ áp dụng cho tiền gửi qua kênh online.
Xếp sau nhóm ngân hàng kể trên, một loạt ngân hàng như LienVietPostBank, ABBank, Vietcapital Bank, GPBank, NamABank, NCB, SCB, VPBank… cũng chấp nhận trả lãi suất lên tới 6,6-6,8%/năm cho tiền gửi cá nhân kỳ hạn 6 tháng. Khoảng một năm trước, đây cũng là mức lãi suất không nhiều ngân hàng trả cho người gửi tiền, kể cả với kỳ hạn 12 tháng.
Với nhóm ngân hàng quốc doanh, mức lãi suất tiền gửi 6 tháng hiện phổ biến ở 4,7-4,8%/năm. Ngoài ra, một số ngân hàng tư nhân cỡ lớn như ACB đang áp dụng lãi suất kỳ hạn này ở 5,7-5,9%/năm; Techcombank trả 5,35-5,8%/năm; MBBank trả 5,7%/năm; Sacombank trả 5,8-6,3%/năm; HDBank là 6,3-6,6%/năm; VIB trả lãi suất 6,4-6,6%/năm… Trong đó, mức lãi suất tối đa chủ yếu áp dụng với tiền gửi qua kênh online.
Lãi suất 12 tháng trở lên vượt 8%/năm
Với việc lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tạo mặt bằng mới, biểu lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cũng được đẩy lên vùng mới. Tại đó, nhiều ngân hàng chấp nhận trả mức lãi suất lên tới gần 8%/năm cho các kỳ hạn này.
Cụ thể, VietABank hiện là ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi 12 tháng cao nhất thị trường với 7,9%/năm, áp dụng cho tiền gửi qua kênh online. Tuy nhiên, nếu gửi tại quầy, khách hàng của nhà băng này chỉ nhận được mức lãi suất 6,7%/năm.
Theo sau VietABank là một loạt ngân hàng cũng đưa ra mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng rất cao như HDBank với 7,6%/năm (gửi tối thiểu 300 tỷ); MSB, CBBank cùng ở 7,5%/năm; Kienlongbank 7,4%/năm; OCB, NamABank, Vietcapital Bank, SCB cùng ở 7,3%/năm… đều áp dụng ở kênh online.
Ở kỳ hạn này, nhóm ngân hàng quốc doanh sau khi tăng 0,8 điểm % lãi suất trong đợt điều chỉnh gần nhất, hiện chấp nhận chi trả mức lãi suất 6,4%/năm cho các khách hàng cá nhân gửi tiền tại quầy. Tuy nhiên, trên kênh online, Vietcombank hiện đưa ra mức lãi suất cho kỳ hạn này là 6,8%/năm trong khi VietinBank cũng áp dụng ở mức 6,8-6,9%/năm tùy hạn mức gửi…
Ở kỳ hạn này, một số ngân hàng tư nhân quy mô lớn như ACB đang trả lãi suất ở 6,2%/năm với kênh quầy và 6,4-6,6%/năm với kênh online; HDBank trả lãi suất 6,8-6,9%/năm (không yêu cầu hạn mức gửi tối thiểu); MBBank trả 6,8%/năm; SHB trả 6,6-6,9%/năm; Sacombank trả 6,5-6,9%/năm; VPBank trả 6,2-7,2%/năm, tùy hạn mức gửi.
Trong khi đó, Techcombank là ngân hàng đưa ra mức lãi suất thấp nhất cho kỳ hạn này, phổ biến ở mức 5,75-6,2%/năm. Với kỳ hạn dài trên 12 tháng, mức lãi suất tiền gửi đã được các nhà băng đẩy lên trên 8%/năm.
Mới đây nhất, ngày 3/10, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm tiền gửi cho khách hàng, Ngân hàng Bản Việt vừa có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 8,4%/năm cho kỳ hạn 18 tháng.
Lãi suất cao nhất thị trường hiện nay lên tới 8,8%/năm của Ngân hàng ABBank. Cụ thể nhà băng này đang có mức lãi suất cao nhất lên tới 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng nhưng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
Vẫn khó hút tiền nhàn rỗi trong dân
Mặc dù các ngân hàng không ngừng nâng mặt bằng lãi suất huy động, song vẫn khó hút tiền nhàn rỗi trong dân, trong khi đó tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi huy độn vốn.
Báo cáo Tình hình Kinh tế - Xã hội quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 do Tổng cục Thống kê mới công bố cho biết, tính đến thời điểm 20/9/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,95%).
Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%) trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%), tương đương gấp 2,6 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn.
Trước đó, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tiền gửi khách hàng của hệ thống tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm đã đạt 4,77%, cao hơn con số 4,04% đến tháng 9/2022 của Tổng cục Thống kê, song cũng chỉ bằng một nửa so với tăng trưởng tín dụng toàn ngành.
Tín dụng tăng nhanh đã gây áp lực lên thanh khoản của các ngân hàng. Trong báo cáo chiến lược quý IV/2022, Công ty chứng khoán ACBS cho rằng, hạn mức tín dụng đã được nới thêm khoảng 2% trong quý III và được kỳ vọng sẽ nới thêm 2% nữa trong quý cuối năm. Đồng thời, việc bán USD của Ngân hàng Nhà nước để cố gắng kiểm soát tỷ giá sẽ làm gia tăng áp lực thanh khoản của đồng VND.
ACBS đưa ra dự báo, các ngân hàng có thể sẽ tăng lãi suất huy động thêm 0,5% đến cuối năm 2022 và tăng tổng cộng 1% trong cả năm nay để tăng cường nguồn vốn huy động.
Giới phân tích cho rằng, sở dĩ các nhà băng tăng mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài là để cơ cấu lại nguồn vốn đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 37% xuống 34% theo quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN.
Thế nhưng, trước chi phí đầu vào tăng tạo áp lực lên lãi vay và khó có thể tránh được việc ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay. TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, một khi lãi suất huy động tăng thì khó tránh khỏi lãi vay đi lên, nhưng vấn đề hiện nay làm sao lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động mới là thành công.