Phát triển KCN ở Việt Nam và nhu cầu thu hút đầu tư vào các KCN đến năm 2030 Bất động sản thu hút trên 68 tỷ USD vốn ngoại Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói về 10 điểm sáng của ngành |
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến hết năm 2023, Việt Nam thu hút được 39.140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đạt 468,917 tỷ USD.
Trong đó, 10 địa phương thu hút nhiều FDI nhất, bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Long An, Quảng Ninh.
Dẫn đầu trong top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất là TP. Hồ Chí Minh với 12.398 dự án, có tổng vốn đăng ký 57,632 tỷ USD, chiếm 31,67% tổng số dự án FDI cả nước và gần 13% tổng vốn đăng ký.
Dòng vốn FDI thời gian qua vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư |
Xếp thứ 2 là TP. Hà Nội với 7.363 dự án, có tổng vốn đăng ký 41,170 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng số dự án và 8,77% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam.
Xếp vị trí thứ 3 trong số các địa phương thu hút nhiều FDI là Bình Dương với 4.217 dự án và 40,4 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng số dự án và 8,6% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.
Riêng trong năm 2023, Việt Nam thu hút được 36,6 tỷ USD vốn ngoại, trong đó những địa phương dẫn đầu là: TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 5,85 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong năm.
Top 10 địa phương thu hút FDI thấp nhất của Việt Nam tính lũy kế đến năm 2023, bao gồm: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Gia Lai, Sơn La, Cà Mau, Tuyên Quang, Đồng Tháp. Trong đó, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên chỉ thu hút được 1 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký rất nhỏ, chỉ lần lượt 1,5 triệu USD và 3,0 triệu USD.
Top 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất Việt Nam theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn FDI thời gian qua vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, ví dụ như cơ sở hạ tầng thuận lợi, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Theo các chuyên gia kinh tế, đây cũng chính là hạn chế của dòng vốn FDI. Để dòng vốn FDI lan tỏa đều tại các địa phương, Việt Nam cần tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các tỉnh, thành có hạ tầng chưa phát triển. Cùng với đó, các địa phương cũng cần chủ động cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư.