Thứ ba 30/04/2024 13:32

Tổng thư ký VINASME: Muốn phát triển lâu dài dứt khoát doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng thương hiệu

Trong giai đoạn hội nhập, cạnh tranh, doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài dứt khoát phải đầu tư, quan tâm phát triển thương hiệu, nhất là thương hiệu xanh.
Điểm sáng về xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia 15 ngân hàng Việt lọt Top 500 nhà băng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu

Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã có cuộc trao đổi với Báo Công Thương về xây dựng, phát triển thương hiệu.

Tổng thư ký VINASME: Muốn phát triển lâu dài dứt khoát doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng thương hiệu
Xây dựng thương hiệu là "cánh cửa" để hàng Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ảnh: TTXVN

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng về xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia. Từ góc độ đại diện của VINASME ông có đánh giá như thế nào về đánh giá tích cực này?

Việc Việt Nam được đánh giá là “điểm sáng” trong xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia cũng như là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về giá trị thương hiệu là kết quả của những nỗ lực trên nhiều phương diện: Chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, xã hội. Trong đó, kinh tế, thương mại là thành phần quan trọng, tiên phong thông qua hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu.

Đồng thời, sự hội nhập sôi động của nền kinh tế, đặc biệt là việc Việt Nam tham gia, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã "mở đường" cho doanh nghiệp bước vào sân chơi kinh tế toàn cầu. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu để tận dụng các ưu đãi, cam kết FTA tiếp cận những thị trường quốc tế khó tính với nhiều quy định khắt khe như Mỹ, EU, Nhật Bản...

Như vậy, có thể khẳng định rằng, những nỗ lực đúng hướng của khu vực doanh nghiệp đã góp phần rất quan trọng vào kết quả ấn tượng của Việt Nam trong xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thời gian qua.

Trong quá trình phát triển của thương hiệu quốc gia có đóng góp quan trọng của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Quan điểm của ông như thế nào về hiệu quả của chương trình này sao hơn 20 năm triển khai?

Tổng thư ký VINASME: Muốn phát triển lâu dài dứt khoát doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng thương hiệu
TS.Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME)

Quyết định số 40/QĐ-TTg, ngày 7/1/2016, của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ : “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; phấn đấu xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia có uy tín quốc tế”. Thực hiện chủ trương này, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, trong đó có Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Chương trình Thương hiệu quốc gia là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng. Nội dung cốt lõi của chương trình đó là phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hoá, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo chúng tôi, sau 20 năm thực hiện, Chương trình Thương hiệu quốc gia do Bộ Công Thương thực hiện thông qua nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghệp nâng cao chất lướng sản phẩm cũng như quảng bá, xúc tiến thương mại… đã góp phần quan trọng trong tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nhờ Chương trình Thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đã gặt hái nhiều thành công trong việc xuất khẩu nhiều hàng hoá thế mạnh của Việt Nam vào các thị trường lớn của thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh hiện nay, xin ông cho biết những thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp trong xây dựng và định vị thương hiệu trên trường quốc tế?

Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tính cạnh tranh cao đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược xây dựng, phát triển, quảng bá và bảo vệ thương hiệu ngay từ thị trường trong nước. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức và quan tâm đến xây dựng, phát triển thương hiệu.

Tuy nhiên, nhìn chung nhận thức về xây dựng, phát triển thương hiệu của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn hạn chế, chưa đầy đủ. Một trong các nguyên nhân là do nguồn lực hạn chế nên doanh nghiệp không quan tâm và chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu. Cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, Bộ ngành vẫn còn nhiều bất cập.

Ngày nay, đối với bất kỳ doanh nghiệp nào đều cần phải hiểu rằng, thương hiệu là tài sản vật chất vô hình nhưng giá trị của nó có thể rất lớn, có ý nghĩa đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Có không ít thương hiệu doanh nghiệp được hình thành như dấu ấn hình tượng thiện cảm, tích cực và uy tín của sản phẩm, cuốn hút, kích thích khách hàng mua, sử dụng.

Ngoài ra, một thương hiệu tốt không chỉ là yếu tố để doanh nghiệp bán hàng mà còn là kênh gọi vốn hiệu quả, hữu dụng cho doanh nghiệp như vốn. Vì vậy, doanh nghiệp không thể chần chừ, thờ ơ đối với đầu tư, quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu.

Như vậy, để tiếp tục tăng thứ hạng cũng như giá trị cho thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia, ông có thể nêu một số giải pháp?

Xây dựng được hình ảnh về thương hiệu không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế mà còn tác động đến cả văn hoá, hình ảnh của quốc gia. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp có thương hiệu tốt, đáp ứng các tiêu chí của thị trường rõ ràng sẽ tạo uy tín cho đất nước.

Bên cạnh đó, xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường là chặng đường cần sự đóng góp quan trọng và vai trò to lớn của doanh nghiệp, thông qua sự nỗ lực, quyết tâm về tạo dựng thương hiệu uy tín cho hàng hoá, sản phẩm.

Theo tôi, giai đoạn hội nhập hiện nay, để tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp cần phải làm nhiều việc. Đó là xây dựng tầm nhìn thương hiệu, chiến lược phát triển thương hiệu; thiết kế nhận diện truyền thông; xây dựng hệ thống quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh phù hợp cả các yếu tố pháp lý…

Dù có nhiều việc phải làm nhưng theo tôi mọi thứ phải bắt đầu bằng tính cam kết về chất lượng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, các hoạt động hậu mãi. Bởi, trước sự bùng nổ và sức mạnh truyền thông của mạng xã hội, bất cứ một sản phẩm, một doanh nghiệp vi phạm về an toàn thực phẩm, môi trường sẽ bị tẩy chay.

Hơn nữa, từ sự thay đổi của thị trường và xu hướng phát triển xanh, bền vững; người tiêu dùng ngày một quan tâm mạnh mẽ đối với sản phẩm bảo vệ môi trường do đó trong giai đoạn hiện nay, muốn phát triển lâu dài dứt khoát doanh nghiệp phải đầu tư, quan tâm đến phát triển thương thương hiệu xanh một cách bài bản, đồng thời cần xác định là mục tiêu hướng đến.

Đối với cơ quan nhà nước, cần tích cực triển khai các chương trình phát triển thương hiệu, nhất là Chương trình thương hiệu quốc gia; đồng thời xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó đặc biệt coi trọng hỗ trợ doanh nghiệp khai thác kênh thương mại điện tử trong phát triển thị trường; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp tạo lập, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thương hiệu xanh.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ, bảo hộ thương hiệu cho doanh nghiệp; ngăn chặn hiệu quả các hành vi hàng giả, hàng nhái để thị trường phát triển bền vững; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính; cũng như luôn đề cao sự sáng tạo, đổi mới và đạo đức kinh doanh phải được tuyên truyền đẩy mạnh, lan toả.

Xin cảm ơn ông!

Tin khác

Phiên bản di động